Kỳ cuối: Chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng tốt

Trung tâm đã tổ chức 43 hội nghị tập huấn về Luật TGPL, các văn bản pháp luật mới ban hành và kỹ năng thực hiện TGPL cho trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, các Điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán cùng 14 buổi sinh hoạt chuyên đề cho các trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên của Trung tâm.

Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý từng bước trưởng thành

Trong giai đoạn triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (từ 1-1-2018 đến 30-6-2020), Sở Tư pháp Hà Nội đã tiến hành rà soát về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước theo hướng tinh giản, hiệu quả. Qua rà soát, giản lược, hiện Trung tâm có 10 chi nhánh đặt tại các quận, huyện trên địa bàn TP; mỗi chi nhánh phụ trách hoạt động TGPL của từ 2- 3 quận, huyện.

Trung tâm TGPL đã triển khai đồng bộ các hoạt động TGPL theo quy định của Luật, trong đó chú trọng vào việc thực hiện các vụ việc tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng. Về tư vấn pháp luật, Trung tâm đã nghiêm túc trong việc cử trợ giúp viên trực tư vấn pháp luật cho các đối tượng được TGPL tại trụ sở Trung tâm và các chi nhánh của Trung tâm. Số vụ việc tư vấn năm 2018 là 313; năm 2019 là 343; do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số vụ việc 6 tháng đầu năm 2020 là 115.

Từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, công tác phối hợp ngày càng tốt của các cơ quan tiến hành tố tụng và tinh thần cố gắng nỗ lực của các trợ giúp viên pháp lý, số vụ việc được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng đã tăng cao. Năm 2018: số vụ tham gia tố tụng là 567 vụ (tăng 74 vụ so với năm 2017); trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 474 vụ/ 567 vụ , chiếm tỷ lệ 83,6%. Năm 2019: số vụ tham gia tố tụng là 612 vụ (tăng 45 vụ so với năm 2018); 100% các vụ việc đều do trợ giúp viên pháp lý thực hiện. 6 tháng đầu năm 2020: số vụ tham gia tố tụng là 466 vụ (tăng 242 vụ so với cùng kỳ năm 2019); 100% các vụ việc đều do trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Như vậy, số trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2019 là 37 người (chiếm 94,9%). Số vụ việc hoàn thành do các trợ giúp viên pháp lý thực hiện tăng gần 30% so với năm 2018.

Đạt được kết quả này cho thấy đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL, đặc biệt trong lĩnh vực tham gia tố tụng. Chất lượng các vụ việc trợ giúp ngày càng tốt hơn, nhận được sự ghi nhận, phản hồi tích cực của người được TGPL.

Thêm vào đó, từ năm 2018 đến 30-6-2020, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 15 người được TGPL; trong đó chủ yếu là người có công với cách mạng, người nghèo và người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện vụ việc TGPL, công tác phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý rất được quan tâm. Hiện Trung tâm có 42 trợ giúp viên pháp lý. Để đảm bảo nguồn lực thực hiện TGPL, Sở Tư pháp cũng cấp Giấy đăng ký tham gia TGPL cho 8 tổ chức (5 tổ chức hành nghề luật sư và 3 tổ chức tư vấn pháp luật).

Giúp nâng cao trình độ và kỹ năng thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ cho trợ giúp viên pháp lý, từ tháng 1-2018 đến hết quý II-2020, Trung tâm đã tổ chức 43 hội nghị tập huấn về Luật TGPL, các văn bản pháp luật mới ban hành và kỹ năng thực hiện TGPL cho trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, các Điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán cùng 14 buổi sinh hoạt chuyên đề cho các trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên của Trung tâm.

Để Luật TGPL đến gần với người dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội do Sở Tư pháp là cơ quan thường trực đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành là thành viên Hội đồng cấp TP và cấp quận, huyện triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật TGPL bằng nhiều hình thức; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn, Phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã, các Hội đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội người khuyết tật, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện truyền thông về TGPL cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp. Hàng năm Hội đồng đều bố trí tuyên truyền, phổ biến Luật TGPL cho người dân tại các thôn nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và tại các xã các tỷ lệ hộ nghèo cao; người khuyết tật có khó khăn về tài chính và người có công với cách mạng.

Một buổi TGPL miễn phí cho đối tượng là người cao tuổi tại đơn vị thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: M.C

Còn nhiều khó khăn

Sau 5 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, ban, ngành đoàn thể và các tổ chức, cá nhân về công tác TGPL trên địa bàn TP đã nâng lên; phần lớn các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với với Trung tâm TGPL trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tích cực trong việc TGPL tại cơ sở hoặc phối hợp cung cấp thông tin về vụ việc khi Trung tâm có yêu cầu.

Đặc biệt, nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, phối hợp tương đối chặt chẽ, thường xuyên với Trung tâm để thực hiện TGPL trong tố tụng; góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ việc, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Đề án đổi mới, vẫn thấy rằng tuy đã nỗ lực truyền thông bằng nhiều hình thức nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn khi có chỗ, có nơi, người dân chưa biết đến TGPL, do đó chưa được TGPL dù có nhu cầu. Kinh nghiệm của một số trợ giúp viên pháp lý còn non yếu khiến chất lượng vụ việc TGPL chưa cao. Thêm vào đó, trụ sở của nhiều chi nhánh thuộc Trung tâm TGPL Nhà nước còn chật hẹp, nằm trên các tầng cao nên phần nào hạn chế sự tiếp cận của người thuộc diện được TGPL khi có nhu cầu trợ giúp.

Ngoài ra còn phải kể đến chức danh trợ giúp viên pháp lý còn rất mới trong nhận thức của người dân, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về người thực hiện TGPL phải là luật sư, dẫn tới sự nhìn nhận khác nhau giữa trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý vẫn có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn cũng là một yếu tố khó khăn trong công tác thực hiện TGPL...

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-chat-luong-cac-vu-viec-tro-giup-phap-ly-ngay-cang-tot-205864.html