Kỳ án gỗ trắc: Thư tuyệt mệnh và những lời kêu cứu
Ngày 23/8/2018 tại Đà Nẵng, phiên tòa lần thứ 4 của TAND TP Đà Nẵng cũng là phiên xử sơ thẩm cuối cùng của vụ kỳ án này đã vắng một người đáng ra phải có mặt. Đó là anh Trần Đình Quang (sinh năm 1986, trú tại thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị), nhân viên Công ty Ngọc Hưng. Trước đó, anh Quang đã treo cổ chết tại nhà riêng một cách oan khiên và đầy nghi vấn.
Bốn lá thư tuyệt mệnh
Anh Trần Đình Quang là cháu họ của bà Trần Thị Dung (SN 1961, Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) thường được giao công việc lên cửa khẩu Lao Bảo mở tờ khai hải quan nhập khẩu gỗ. Sau khi vụ án trên xảy ra, ông Trương Huy Liệu - Phó GĐ công ty này và là chồng bà Dung bị bắt tạm giam thì anh Quang cũng liên tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 Bộ Công an) triệu tập ra Hà Nội phục vụ công tác điều tra, bắt đầu từ ngày 22/4/2013.
Ngày 25/4/2013 anh Quang có đơn kêu cứu gửi Viện KSNDTC, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ngày 26/4/2013 anh Quang gửi tiếp đơn tới Trưởng ban Nội chính Trung ương lúc đó là ông Nguyễn Bá Thanh kêu cứu vì cho rằng mình bị điều tra viên ép cung.
Và đến ngày 22/5/2013, mọi người phát hiện anh Quang treo cổ tự vẫn tại nhà, để lại 4 bức di thư cho gia đình và người yêu sắp cưới.
Thư tuyệt mệnh Quang gửi cho ba mẹ có đoạn viết: “Gửi ba mẹ thân yêu của con! Con xin lỗi ba mẹ nghìn lần vì đã làm vậy. Con thật may mắn khi được sinh ra là con của ba mẹ. Những người mẹ vĩ đại nhất cuộc đời này. Ba mẹ nuôi con từ nhỏ đến giờ mà con chưa một ngày đền ơn đáp nghĩa cho ba mẹ, con thật bất hiếu. Nếu có kiếp sau, con xin được làm con của ba mẹ để phụng dưỡng ba mẹ…”.
Trong số thư tuyệt mệnh, anh Quang còn để lại một trang viết, theo dạng nhật ký. “Ngày 20/5/2013 mình đến Bộ Công an theo giấy triệu tập mà tâm trạng nặng trĩu, vừa ám ảnh từ lần bị ép cung trước, vừa sợ bị trả thù vì đã gửi đơn kêu cứu. Mình lo vì mình tố cáo hành vi của Trần Đức Dũng thuộc P4 - C44 mà bây giờ P4-C44 lại triệu tập mình đến để làm rõ vấn đề đơn kêu cứu. Mình nghĩ là không khách quan khi người ta ở cùng phòng sẽ bảo vệ cho nhau. Và thực tế đã đúng như mình nghĩ (trích)”.
Những thư tuyệt mệnh này đã được cơ quan điều tra thu giữ ngay bản gốc, phải đấu tranh lắm gia đình mới được photocopy trước sự chứng kiến của công an.
Trở lại phiên tòa liên quan đến Trần Đình Quang. Tháng 8/2017, kết thúc phiên tòa sơ thẩm, văn bản của HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã đề nghị điều tra bổ sung liên quan đến nhân chứng Trần Đình Quang.
Văn bản nêu: “Cơ quan điều tra và Viện KSNDTC căn cứ vào lời khai của Trần Đình Quang vào ngày 22 và 23/4/2013 để buộc tội các bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung, nhưng các luật sư, các bị cáo Dung và Liệu cho rằng Quang bị ép cung, nhục hình nên mới khai như vậy. Vì trong di thư của Trần Đình Quang để lại có nội dung: Ngày 20/5/2013 cơ quan điều tra gọi Quang đến làm việc để giải quyết về khiếu nại của Quang về việc bị ép cung và tại buổi làm việc này, Quang cũng bị ép cung như hai lần lấy lời khai vào ngày 22 và 23/4/2013.
Tại phiên tòa bị cáo Dung khai có nhìn thấy cán bộ điều tra đánh đập Quang. Cơ quan điều tra cũng căn cứ vào biên bản lấy lời khai ngày 20/5/2013 của Trần Đình Quang để trả lời cho các cơ quan trung ương và gia đình Quang về việc Quang không bị ép cung nhưng trong hồ sơ lại không có biên bản lời khai này của Quang. Việc kết luận điều tra bổ sung của cơ quan điều tra ghi: “do chưa tìm được bản gốc (bản hỏi cung - PV) nên chưa có cơ sở xác định được ngày 20/5/2013 cơ quan điều tra có lấy lời khai của Quang không là mâu thuẫn. Cần phải làm rõ việc này”.
Tuy nhiên, chính cơ quan điều tra lại căn cứ vào biên bản hỏi cung (là bản sao) của một nhân chứng đã chết là Trần Đình Quang để buộc tội bà Trần Thị Dung chỉ đạo làm giả hồ sơ buôn lậu gỗ trắc! Trong khi chính nhân chứng quan trọng này trước khi chết một cách bất ngờ đã để lại thư tuyệt mệnh và đơn kêu cứu, kêu oan.
Kháng án, kỳ vọng vào phiên phúc thẩm
Ngày 23/8/2018 TAND TP Đà Nẵng đã tuyên vợ chồng ông Trương Huy Liệu phạm tội buôn lậu hơn 21 m3 gỗ giáng hương trị giá 470 triệu đồng được vận chuyển cùng lô gỗ trắc với lý do không khai báo khi làm thủ tục XNK với hải quan. Ông Liệu bị tuyên phạt tù 1 năm 16 ngày (đúng bằng thời hạn tạm giam), được trả tự do ngay tại tòa. Còn bà Trần Thị Dung bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo.
“Từ ngày ra khỏi trại giam, hằng đêm vẫn chong đèn để viết lên nỗi oan của mình. Vợ con tôi rầy chồng, rầy cha, vì sợ tôi trầm cảm buông xuôi, không đủ sức tin vào công lý. Nhưng tôi có niềm tin sắt đá, rằng tôi vô tội, phải kiên cường mà sống và chờ ngày được giải oan. Và cũng đề nghị nhanh chóng kết thúc vụ án này. Những kẻ gây ra oan trái nhất định sẽ bị pháp luật trừng phạt”. Ông Trương Huy Liệu
Do xét thấy lô gỗ trắc còn lại không phải là hàng lậu nên HĐXX cũng tuyên hoàn trả cho Công ty Ngọc Hưng số tiền bán đấu giá lô hàng này hơn 62,6 tỷ đồng. Các công chức hải quan đều bị kết án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Đỗ Xuân Thành (Quảng Trị) bị tuyên 9 tháng tù treo, Đỗ Danh Thắng (Đà Nẵng) 6 tháng tù treo.
Tất cả các bị cáo trên đều kháng cáo bản án sơ thẩm. Họ chỉ thống nhất cao với kiến nghị sau cùng của bản án sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng. Đó là “Kiến nghị Bộ Công an và Viện KSNDTC xem xét, chỉ đạo tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật về việc ép cung, nhục hình với anh Trần Đình Quang. Kiến nghị Bộ Công an xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc làm thất lạc biên bản lời khai ngày 20/3/2013 của anh Trần Đình Quang.
Kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc khu thu giữ lô hàng (lô gỗ) của Công ty Ngọc Hưng không lập biên bản thu giữ vật chứng vụ án theo quy định của pháp luật. Kiến nghị Cục Điều tra Viện KSNDTC khởi tố vụ án hình sự về hành vi bán tang vật (lô hàng gỗ) của vụ án để điều tra theo quy định của pháp luật”.
Ông Trương Huy Liệu cũng có văn bản yêu cầu Tòa phúc thẩm triệu tập điều tra viên vụ án này là ông Trần Đức Dũng, người hỏi cung anh Trần Đình Quang. Ông Liệu cùng các bị cáo khẩn thiết yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét toàn diện vụ việc để ra quyết định đình chỉ vụ án này vì theo họ cơ quan tố tụng là hình sự hóa quan hệ hành chính, kinh tế.
Phiên tòa phúc thẩm của Tòa cấp cao Đà Nẵng về vụ án này mới đây cũng phải hoãn, cho thấy rõ hơn dấu hiệu của một kỳ án.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị là người theo dõi vụ án nhiều năm nay và có mặt trong phiên sơ thẩm, cũng khẳng định ý kiến như trong văn bản kiến nghị các cơ quan Trung ương của ông: “Việc khởi tố, bắt tạm giam, truy tố các bị cáo nêu trên là không có căn cứ pháp luật, hình sự hóa các quan hệ kinh doanh thương mại”.
Ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 371 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an, trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu gỗ trắc tại miền Trung cuối năm 2011. Số tang vật gỗ trắc mà C44 ra quyết định bán đấu giá trị giá hơn 60 tỷ đồng. Người ký quyết định là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, thời điểm trên đang là thủ trưởng C44. Trong khi theo các bị cáo, giá trị lô hàng này có giá trị hơn 300 tỷ đồng (theo định giá của Trung tâm đấu giá Quảng Trị lúc bấy giờ). Ngay trong văn bản về việc đề nghị cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của Tổng cục Hải quan cũng xác định lô hàng này ước tính trị giá hơn 100 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Trương Huy Liệu kể rằng khi bị tạm giam cả năm trời, nhiều khi bức xúc vì thấy mình bị oan ức, lại thêm lo lắng cho gia đình, ông đã đứng sau song sắt gào to tên vợ con mình vì nỗi niềm ai tỏ ? Ông nói thêm: “Từ khi ra khỏi trại giam, nhiều thói quen bỗng dưng thay đổi. Ví dụ 50 năm qua tôi quen ngủ có gối, nhưng từ trại giam về với đời thường, mới chỉ một năm lao lý mà tôi lại không thể ngủ có gối như trước. Lao lý để lại những dấu ấn lạ lùng như vậy mà chỉ ai có trải qua mới thấu hiểu.