Kỳ 2: Nhận diện thách thức trong tình hình mới
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trước sự phát triển với tốc độ ngày càng nhanh của khoa học, công nghệ và yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã bộc lộ một số hạn chế trong lực lượng công nhân lao động nước ta. Những vấn đề mới xuất hiện trong đời sống công nhân lao động, làm phát sinh và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương; nhiều loại tội phạm len lỏi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi ở công nhân đe dọa cuộc sống yên bình của công nhân lao động… Với sứ mệnh của tổ chức Công đoàn, vai trò định hướng tư tưởng, truyền thông chính sách pháp luật trong bối cảnh hiện nay là thực sự cần thiết; đặc biệt trong thể chế nền kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, đã đặt ra những yêu cầu mới, thách thức mới.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới
Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo; tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trong điều kiện khoa học - công nghệ phát triển với tốc độ ngày càng nhanh và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, giai cấp công nhân Việt Nam phát triển mạnh về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đa dạng về cơ cấu và ngày càng có vai trò to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo số liệu cập nhật đến 30/6/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 24,5 triệu người lao động làm công hưởng lương. Trong đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam quản lý hơn 11 triệu đoàn viên (2/3 là công nhân lao động), sinh hoạt tại hơn 123.000 Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, riêng khu vực doanh nghiệp có khoảng 7,5 triệu đoàn viên là công nhân lao động.
Trong khi đó, hiện nay công nhân lao động nước ta có xu hướng trẻ hóa, lao động dưới 30 tuổi chiếm trên 60%; đặc biệt, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này còn cao hơn. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, trình độ học vấn của công nhân lao động nước ta không ngừng được nâng cao. Công nhân lao động là lực lượng có khả năng sáng tạo trong sản xuất và đời sống xã hội, thích ứng nhanh với cơ chế mới và tiếp cận nhanh với khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, có vai trò quan trọng quyết định tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trước sự phát triển với tốc độ ngày càng nhanh của khoa học, công nghệ và yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lực lượng công nhân lao động nước ta đang bộc lộ một số hạn chế, như: Trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp so với yêu cầu và mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu lao động kỹ thuật, giữa các bộ phận công nhân. Số lao động giản đơn, chưa qua đào tạo, trình độ bậc thợ thấp còn chiếm tỷ lệ cao trong các ngành, như xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, dệt may, da giày...
Một bộ phận công nhân chưa ý thức được đầy đủ yêu cầu của cạnh tranh quốc tế, chưa thường xuyên rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế; việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, dẫn đến việc bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, xúi giục gây rối, đình công, lãn công…
Chia sẻ tại Diễn đàn “Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện có nhiều loại tội phạm len lỏi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi ở của công nhân lao động để hoạt động, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trong khu vực và đe dọa cuộc sống yên bình của công nhân lao động.
Trong đó, các loại tội phạm truyền thống như ma túy, mại dâm, cờ bạc, tín dụng đen... thường xuyên xác định đối tượng công nhân lao động là “khách hàng” của chúng. Ngoài ra, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo cam kết Việt Nam sẽ phải cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhưng không thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam…
“Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội làm thay đổi căn bản hình thức tiếp nhận và chia sẻ thông tin của con người, hầu hết công nhân lao động đều có điện thoại thông minh. Điều này tạo điều kiện cho thế lực thù địch tiếp cận công nhân lao động theo con đường mạng xã hội, tập trung dụ dỗ, lôi kéo công nhân bằng con đường đó”, ông Vũ Mạnh Tiêm cho nhấn mạnh.
Còn “vướng” trong tiếp cận thông tin
Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Đây là động lực cơ bản, là chủ trương lớn để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, điều kiện tiên quyết là tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động phải duy trì được sự ổn định, tiến bộ và tăng trưởng, đảm bảo sức chống chịu trước những cú sốc về kinh tế - xã hội như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng cao, tốc độ trượt giá, lạm phát...
Hiện nay, hầu hết công nhân, người lao động nước ta có phẩm chất chính trị và bản lĩnh vững vàng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Công nhân, người lao động luôn là lực lượng kiên quyết ủng hộ và đi tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; là lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân - nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Dù có sự ổn định về tư tưởng chính trị, nhưng, trong vòng xoáy và sự tác động tiêu cực kinh tế vĩ mô, tác động của đại dịch Covid-19, đời sống công nhân lao động tại Việt Nam cũng không tránh khỏi những khó khăn, hệ lụy.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, tình hình người lao động thiếu việc làm chủ yếu rơi vào các loại hình doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài (17,8% so với mức 9,9% của doanh nghiệp Nhà nước/cổ phần hóa); Tổng số giờ làm việc của người lao động ở mức 43,5 giờ/tuần, tương đương 7 giờ 25 phút/ngày, giảm 10% số giờ làm việc thông thường (8 giờ/ngày). 61,2% lao động đi làm không có tăng ca. Do giảm, hoặc không có tăng ca ở doanh nghiệp, người lao động làm thêm bên ngoài nhiều hơn để bù đắp thu nhập giảm. Tổng số giờ làm thêm là 10,26 giờ/tuần (bao gồm cả Chủ nhật), tương đương với mức gần 1 giờ 46 phút/ngày…
Từ những thực tế này đã xuất hiện những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống công nhân lao động, làm phát sinh và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương. Bởi thế, nhằm giúp nâng cao tư tưởng chính trị cho công nhân lao động, theo ông Vũ Mạnh Tiêm, thời gian qua các cấp Công đoàn đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức được hàng nghìn cuộc tuyên truyền cho hàng triệu lượt đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.
Hình thức, biện pháp tuyên truyền được đổi mới và đa dạng hóa như: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động; xây dựng tủ sách pháp luật, hòm thư góp ý, tố giác tội phạm, tuyên truyền cổ động trực quan: Panô, áp phích, poster; cấp phát tài liệu sổ tay pháp luật công nhân; xây dựng các video, podcast với nội dung cô đọng, ngắn gọn cảnh báo về nguy cơ và tác hại của tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội…
Việc đổi mới hình thức tuyên truyền là vậy, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về truyền thông cũng như về công nhân lao động, các hình thức tuyên truyền về chính sách pháp luật lao động hiện vẫn còn quá mỏng và chưa đúng, trúng. Nhiều chính sách được truyền tải mang thông điệp văn bản dẫn đến việc dài dòng, khô cứng và không thu hút được sự quan tâm của người lao động. Vì thế, dù rằng có rất nhiều công nhân lao động mong muốn được tiếp cận các thông tin về chính sách pháp luật, nhưng lại không có cơ hội, hoặc khi tiếp cận nhưng lại khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin.
Chia sẻ về nội dung này, ông Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn nhiều công nhân chưa nắm được chính sách, vì thế, vai trò của truyền thông chính sách rất quan trọng. Khi tuyên truyền đúng, trúng, người lao động sẽ biết cách phản ứng và phản ứng đúng pháp luật. Còn khi tuyên truyền chưa đủ, hoặc người lao động không tiếp cận được các chính sách pháp luật mà phản ứng thì dễ bị người sử dụng lao động dựa vào đó để sa thải, hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, gây rối dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
“Các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Công đoàn nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc truyền bá các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, tinh hoa văn hóa nhân loại đến với công nhân lao động” - (Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất).
Kỳ 3: Tấm khiên Công đoàn
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-2-nhan-dien-thach-thuc-trong-tinh-hinh-moi-163657.html