Kỳ 1: Trộm nhí vuốt 'râu hùm'

Với những biến động mang tính bước ngoặt làm ảnh hưởng đến thế giới trong thế kỷ XX, lịch sử nước Nga thời kỳ này xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự đáng phải suy ngẫm. Trong số đó, có thể kể tới những vụ án mạo danh, lừa đảo chỉ có thể xảy ra trên đất Nga giai đoạn này.

Có thể vào thời mà vụ án này xảy ra, chẳng có mấy người, ngoài một số quan chức hàng đầu của ngành An ninh Liên Xô thời đó biết Valya Egorov là ai, đã làm gì. Lý do là vì mới 12 tuổi nhưng suốt 4 năm liền, tên trộm nhí này đã đột nhập trụ sở nhiều cơ quan cấp bộ ngay tại thủ đô Moscow.

"Khinh kỵ binh" nhỏ tuổi

Lời khai của chính Valya Egorov về những việc đã làm vào năm 1934 khiến nhiều người sửng sốt: "...Ngày 30/9/1934, cháu đến Phòng Công đoàn của Bộ Dân ủy - Tài chính, mở ngăn kéo bàn lấy chiếc thìa bạc cùng cái cốc, kẹo, 1 đồng rúp, con dao nhíp, chiếc gương sắt, 2 quả táo, trái phiếu kỳ hạn 5 năm với số tiền 65 rúp nhưng cháu đã xé đi. Sau đó, cháu qua tòa nhà của bộ, nhân viên trực bảo vệ chẳng yêu cầu giấy tờ, mà chỉ hỏi: "Cậu đi đâu?", và khi cháu trả lời: "Tôi đang đến bộ" thì anh ấy đưa cho cháu tấm thẻ...".

Cùng ngày, Valya đến văn phòng của Bộ trưởng Grigori Grinko (1890 - 1938). Với những người đánh bóng sàn nhà đang làm việc ở đó, Valya nói dối rằng mình là con trai của "ngài Grinko" và sẽ đợi cha mình, dặn họ đừng đóng cửa. Còn lại một mình, Valya lục soát các ngăn bàn nhưng không tìm thấy món gì thích nên bỏ đi. Theo lời khai của Valya, chỉ trong vòng 1 tuần, cậu đã 4 lần "ghé thăm" Bộ Dân ủy - Tài chính đồng thời "càn quét" 80 cái bàn và tủ mà chẳng thấy ai hỏi han gì.

Vì sao Valya có thể ra vào các phòng làm việc của bộ này dễ dàng như vậy? Đây là lý do được cậu trình bày: "Ngày 23/9/1934, cháu đến tòa nhà số 9 của bộ trên phố Ilyinka, tới Văn phòng Đảng ủy và nói: "Cháu là khinh kỵ binh của trường học được quyền kiểm tra tòa nhà này. Nhưng ở đó người ta bảo cháu tới gặp Chủ tịch Công đoàn là Orlovskaya, bà ấy sẽ cho phép kiểm tra căn - tin. Khi đối diện với nhân vật này, bà ấy không hỏi giấy tờ mà chỉ nói: "Cháu ở trường số 11 à?". Cháu gật đầu và bà ấy gọi người phụ trách căn - tin tới".

Ảnh chụp mặt tiền treo biển hiệu của một nhà ăn công cộng ở Liên Xô năm 1934

Năm 1931, ở Liên Xô có phong trào kiểm tra vệ sinh an toàn trong các nhà ăn công cộng, căn - tin... và những người được giao thực hiện lại là... các em học sinh! Việc này xuất phát từ niềm tin vào tính trung thực của đội viên thiếu niên. Và để cổ vũ, các cô bé, cậu bé được chọn tham gia phong trào này được gọi là các "khinh kỵ binh" - có lẽ ý tưởng trên phôi thai từ hình ảnh đoàn kỵ binh của vị tướng Xô viết lừng danh Semyon Budyonny (1883-1973).

Qua mặt cả lãnh đạo cơ quan an ninh

Sở dĩ hành vi phạm tội của Valya tới tai các lãnh đạo cấp cao của Liên Xô lúc đó là do cậu dám giỡn mặt với cả Yan Olskyi (1898 - 1937), một trong các lãnh đạo của cơ quan vốn là tiền thân của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, khi Olskyi gặp Valya, ông đã bị đưa ra khỏi Cơ quan An ninh và đang phụ trách Tổng cục Quản lý các nhà ăn, quán cà phê...

Khi bị xét hỏi, Valya khai mình gặp Olskyi lúc cậu đang làm "nhiệm vụ” kiểm tra vệ sinh nhà ăn công cộng. Lúc đó, tuy đang đi cùng 6 người khác nhưng Olskyi vẫn để ý tới Valya và đề nghị cậu kiểm tra ở khu vực văn phòng các cơ quan do ông trực tiếp quản lý đồng thời tự giới thiệu: "Ta là Olskyi, cấp phó của đồng chí Mikoyan. Ngày mai, cháu tới Bộ Dân ủy - Nội thương, ta sẽ cấp giấy chứng nhận". Valya chắc chắn không biết Olskyi là ai nhưng cái tên Mikoyan (1895 - 1978) thì bất cứ người lớn hay trẻ con nào trong suốt thời gian tồn tại của Liên bang Xô viết đều quen thuộc.

Hôm sau, Valya gặp lại Olskyi, ông bảo cậu ngồi chờ trong văn phòng và yêu cầu người có trách nhiệm cấp cho cậu giấy chứng nhận. "Ông ấy vừa ra ngoài, cháu mở ngăn kéo và thấy chiếc đồng hồ, cháu liền bỏ nó vào túi và lại ngồi xuống ghế", Valya khai. Olskyi quay lại bảo người đánh máy đã về nên hẹn Valya trở lại vào hôm sau.

Khi gặp lại Valya, Olskyi cũng ra ngoài, để cậu ở lại trong phòng làm việc. "Ăn cắp quen tay", cậu lại mò tới bàn của Olskyi, mở ngăn kéo, nhưng vừa bỏ túi xong chiếc móc treo đồng đồ màu vàng, định cuỗm nốt con dao găm nhỏ thì Olskyi bước vào, hỏi: "Cậu đang làm gì vậy?". Lúc này, Valya tỏ ra ấp úng. Olskyi gọi người đến và Valya bị đưa tới Đồn công an số 22 gần đó. Tuy nhiên, trên đường đi, lợi dụng lúc người áp giải mất cảnh giác, Valya đã trốn thoát.

"Ngựa quen đường cũ”, Valya tiếp tục "làm ăn" trong vai một "khinh kỵ binh" trước khi bị bắt. Sau khi đã nhẵn mặt tại cơ quan văn phòng của 7 bộ, ngân hàng trung ương, Valya chuyển sang trộm cắp các cơ quan báo chí, trong đó có 2 tờ báo hàng đầu của Liên Xô thời ấy là Tin tức và Sự thật Thanh niên Cộng sản. Valya Egorov bị bắt ở chợ trời khi đang bán chiếc máy ảnh lấy trộm ở tòa soạn tờ Sự thật Thanh niên Cộng sản. Chiếc máy ảnh đó mới được sản xuất, vô cùng hiếm trong khi giá trị rất lớn nên Valya bị bắt ngay khi vừa rao bán.

Năm 1935, Valya Egorov bị đưa ra tòa. May là luật mới quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự với tội trộm cắp là 12 chưa được áp dụng nên Valya Egorov chỉ bị đưa đi chữa bệnh tâm thần bắt buộc sau khi các bác sĩ cho rằng cậu bị "hội chứng ám ảnh trộm cắp".

Cho đến nay, các nhà sử học tìm ra câu chuyện ăn cắp vặt của Valya Egorov vẫn không biết số phận tiếp theo của cậu bé. Người ta chỉ biết rằng vụ án đã được báo cáo lên Ủy viên Dân ủy - Nội vụ (tức Bộ trưởng Công an), sau đó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy (Thủ tướng) Vyacheslav Molotov đã thông báo vụ việc cho các nhà lãnh đạo cao nhất biết để rút kinh nghiệm về sự lỏng lẻo trong hoạt động của một số cơ quan công quyền.

(Còn tiếp...)

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-trom-nhi-vuot-rau-hum_153364.html