Kon Tum: Xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị kinh tế cao

Phát triển Sâm Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum không chỉ đảm bảo việc bảo tồn nguồn gen Sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng mà còn giúp tăng nguồn thu của địa phương, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng trồng sâm.

Quy hoạch phát triển sản phẩm

Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng khoảng 1.784 ha, đến 2025 diện tích khai thác khoảng 60ha/năm (khoảng 600 ngàn cây). Trong diện tích này (không bao gồm số diện tích đã khai thác hàng năm) có khoảng 7,9 triệu cây Sâm Ngọc Linh có cho thu hoạch quả với khoảng 19,8 triệu hạt/năm và sản xuất được 14 triệu cây, với nguồn giống Sâm Ngọc Linh hiện có trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, cá nhân trồng có thể trồng mới và trồng dặm lại diện tích hao hụt ước khoảng 1.000ha/năm.

Phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quan trọng, tăng nguồn thu của địa phương, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng trồng sâm.

Hiện sản phẩm đã hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm Sâm Ngọc Linh. Các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước như: Rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, Mật ong sâm SK5, thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 Sói đêm, nước giải khác dưỡng da NoLiKo, Collagen Sâm Ngọc linh, Viên nang mềm Sâm ngọc linh, Cao khô Sâm Ngọc Linh, Trà Ô long sâm Ngọc Linh...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển chăm sóc sức khỏe bằng các thuốc y học cổ truyền. Sâm và các loại dược liệu có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Chính vì vậy, Sâm và một số loại dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum quy hoạch tổng diện tích trồng Sâm là 31.742,8 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Trong đó, quy hoạch vùng đệm diện tích 14.754,5 ha (độ cao từ 1.200 m - 1.500 m) hình thành vành đai bảo vệ vùng quy hoạch, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm trong vùng quy hoạch. Quy hoạch vùng lõi (vùng trồng sâm): Diện tích 16.988,3 ha, có độ cao 1.500 m trở lên (gồm rừng giàu 9.826,5 ha, rừng trung bình 6.555,4 ha, rừng nghèo 606,4 ha).

Tuy vậy, việc đầu tư và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc như; hơn 50% diện tích quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh nằm trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, do đó việc phát triển Sâm Ngọc Linh còn nhiều hạn chế vì Luật Lâm nghiệp không cho phép tác động vào rừng đặc dụng. Chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục liên quan đến công tác xác định giá cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh.

Công tác quản lý giống cây giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, còn gặp nhiều khó khăn vì chưa được Bộ Nông nghiệp công nhận là cây trồng chính. Bên cánh đó, công tác quản lý chất lượng Sâm Ngọc Linh gặp khó khăn, nhất là việc xác định về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sâm Ngọc Linh, nhiều sản phẩm sâm khác giả thương hiệu Sâm Ngọc Linh đã xuất hiện trên thị trường đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng, thương hiệu Sâm Ngọc Linh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, vốn đầu tư để phát triển Sâm Ngọc Linh rất lớn, ước tính suất đầu tư trồng mới từ 05 - 08 tỷ đồng/ha Sâm Ngọc Linh.

Nâng tầm thương hiệu phát huy tiềm năng kinh tế

Trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa mới chỉ là nhỏ lẻ một lĩnh vực còn khá mới trong nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân vùng sâu, vùng xa hướng cộng đồng người dân tộc tiểu số xóa đói nghèo theo hướng bền vững.

Qua đó, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển Sâm Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum, quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum thành vùng trồng Sâm Ngọc Linh trọng điểm của quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Đến năm 2030 diện tích rừng có trồng Sâm Ngọc Linh đạt trên 10.000 ha. Phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quan trọng, tăng nguồn thu của địa phương, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng trồng sâm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, ban ngành liên quan từng bước xây dựng phát triển cây Sâm… Qua đó, vừa khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, gìn giữ, bảo tồn nguồn gen quý, từng bước đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng "mũi nhọn", hướng đến nâng cao giá trị canh tác.

Theo đó, phát triển Sâm Ngọc Linh gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đảm bảo cải thiện sinh kế cho người dân có tham gia vào Chương trình, sản phẩm Sâm Ngọc Linh hướng đến tiêu chuẩn GAP-WHO, GMP-WHO và tham gia vào sản xuất thuốc điều trị bệnh. Sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm OCOP, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ dưỡng cho nhu cầu thị trường bằng các công nghệ hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn GAP-WHO, GMP-WHO.

Từ đó, xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị kinh tế cao cho địa phương, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành dược liệu gồm: Sản phẩm OCOP, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ dưỡng, mỹ phẩm và thuốc dược liệu mang thương hiệu sản phẩm quốc gia..., nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trọng Nghị

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/kon-tum-xay-dung-va-phat-trien-sam-ngoc-linh-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-co-gia-tri-kinh-te-cao-81063.html