Kon Tum và Quảng Nam cần đồng thuận vì lợi ích người dân
Vừa qua VOV có bài phản ánh về vướng mắc, thiệt thòi của hàng trăm hộ dân xã Trà Vinh, tỉnh Quảng Nam sinh sống trên địa bàn xã Đắk Nên, tỉnh Kon Tum. Thực tế này đã kéo dài hàng chục năm khiến chính quyền cả 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đều gặp khó trong công tác quản lý. Nhưng vấn đề lớn hơn là 235 hộ, gần 1.100 người dân đã không thể thụ hưởng những lợi ích chính đáng.
Trong 235 hộ dân hiện đang sinh sống tại vùng vướng mắc địa giới, dân cư giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có tới hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo. Do vướng mắc địa giới, bà con đã không được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường; không được cấp giấy tờ đất đai… nên bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống.
Ông Phan Quốc Vũ, Trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Thạch Nham, tỉnh Kon Tum, cho biết, đơn vị rất muốn giao rừng cho người dân, cộng đồng quản lý bảo vệ, nhưng vì rừng là của tỉnh Kon Tum còn người dân do tỉnh Quảng Nam quản lý nên không thể giao rừng. Bởi vậy người dân, cộng đồng thì không được giao rừng để có thêm thu nhập còn lực lượng bảo vệ rừng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý: “Công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực này đặc biệt khó khăn. Điều kiện sinh hoạt thì đây là khu vực chưa có điện thắp sáng cũng như sóng điện thoại và các cơ sở hạ tầng khác chưa đảm bảo cho nên khó khăn trong sinh hoạt, ăn ở của lực lượng bảo vệ rừng. Khu vực này địa giới hành chính, lâm phần thuộc tỉnh Kon Tum quản lý nhưng người dân thì tỉnh Quảng Nam. Đơn vị khó khăn đặc biệt nhất là công tác tuyên truyền vận động người dân quản lý bảo vệ rừng”.
Hiện tại, ở vùng vướng mắc địa giới, dân cư giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tinh Quảng Nam, không có công trình cơ sở hạ tầng nào được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước.
Điều này khiến cuộc sống của người dân đã khó lại càng khó hơn. Bà Y Thị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cho biết: “Nhu cầu đầu tư giải quyết những khó khăn trong cuộc sống người dân cũng như đầu tư công trình hạ tầng và các điều kiện an sinh xã hội xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My không giải quyết được vì pháp luật không cho phép thực hiện đầu tư ngoài địa giới hành chính. Sau nhiều lần chính quyền 2 xã Đăk Nên- Trà Vinh và 2 huyện Kon Plông- Nam Trà My làm việc nhưng vướng mắc không thể giải quyết được”.
Trước cuộc sống khó khăn của 235 hộ, gần 1.100 người dân ở vùng vướng mắc, suốt 3 năm qua, nhiều cuộc họp giữa ngành chức năng và chính quyền các cấp 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã được tổ chức nhưng vướng mắc vẫn không được giải quyết do 2 bên không đạt được đồng thuận. Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, kiến nghị: “Mong muốn là cấp có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết vấn đề vướng mắc địa giới hành chính đã tồn tại lâu nay. Từ đó các địa phương có điều kiện để đầu tư về cơ sở hạ tầng, chăm lo tới đời sống nhân dân, đảm bảo cho người dân các điều kiện về đất đai, về nhà ở, về sản xuất nông nghiệp từ đó nhân dân có cuộc sống ổn định, đời sống tốt hơn”.
Sau nhiều cuộc gặp giữa hai bên, tỉnh Quảng Nam vẫn nguyên quan điểm muốn giữ hộ khẩu của dân và chuyển địa giới Kon Tum sang phía mình. Ngược lại tỉnh Kon Tum cho rằng cần giữ nguyên địa giới hành chính và có thể chuyển hộ khẩu gần 1.100 người từ Quảng Nam sang Kon Tum. Thậm chí năm 2023, 2 tỉnh thống nhất thành lập 2 tổ công tác tiến hành khảo sát toàn diện khu vực này, đồng thời phát phiếu lấy ý kiến người dân đối với 2 phương án “điều chỉnh địa giới hành chính và chuyển hộ tịch, hộ khẩu”.
Kết quả trong 2.240 người dân tham gia lấy ý kiến có 882 người, chiếm hơn 37% đề nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa 2 địa phương; 1.358 người, chiếm hơn 60% đề nghị chuyển hộ tịch, hộ khẩu người dân xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My đang sinh sống trong vùng vướng mắc địa giới, dân cư về tỉnh Kon Tum. Thế nhưng đến nay kết quả đợt khảo sát công phu giữa 2 tỉnh vẫn chưa phát huy tác dụng thực tế. Kon Tum và Quảng Nam vẫn chưa thống nhất và người dân vẫn tiếp tục sống trong thiếu thốn, khó khăn.
Do không tự giải quyết được vướng mắc về địa giới, dân cư giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã báo cáo, đồng thời kiến nghị Chính phủ giải quyết vướng mắc. Mới đây từ ngày 12-15/9 vừa qua, Bộ Nội vụ đã thành lập đoàn, thực hiện việc khảo sát thực địa tại khu vực vướng mắc địa giới, dân cư giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam để từ kết quả khảo sát thực tế sẽ tham mưu Chính phủ giải quyết vướng mắc giữa 2 tỉnh.