Kinh tế Mỹ sụt giảm 37% vì đại dịch COVID-19
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang khiến nền kinh tế Mỹ ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng, khi đánh giá mới nhất của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế thế giới đã sụt giảm tới 37% trong quí II/2020 và 6,6% cho cả năm nay.
CNN dẫn kết quả đánh giá công bố ngày 17/7 của IMF cho hay so với cùng kỳ quí II năm ngoái, kinh tế Mỹ đã sụt giảm tới 37% và cả năm 2020 dự kiến giảm 6,6% vì đại dịch COVID-19. Như vậy, đại dịch COVID-19 đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ.
IMF cho rằng đại dịch COVID-19 chính là mối đe dọa lớn nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Theo IMF, tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và tình trạng thua lỗ tài chính của các doanh nghiệp nhỏ. Mỹ đã không thể tránh được kịch bản xấu này, bất chấp việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) liên tục có những nỗ lực chưa từng thấy nhằm hỗ trợ và cung cấp các gói kích cầu kinh tế kể từ đầu đại dịch tới nay. Việc FED hạ lãi suất cơ bản của đồng USD xuống mức gần như tượng trưng cũng chưa thể phát huy ngay tác dụng và cứu được nền kinh tế.
IMF cảnh báo, dù hệ thống tài chính Mỹ có chứng tỏ được “cả phục hồi nhanh chóng và linh hoạt”, thì một làn sóng virus SARS-Cov-2 nữa có thể dẫn tới một đợt đóng cửa nền kinh tế mới.
Theo thể chế tài chính hàng đầu thế giới này, để tránh các rủi ro trong thời gian tới, Mỹ cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa các “nỗ lực chính sách” nhằm đương đầu với đại dịch COVID-19 và “giải quyết hàng loạt thách thức kinh tế-xã hội đang làm điêu đứng nền kinh tế”, cũng như “đảo ngược các hạn chế thương mại và quyết định tăng thuế hiện nay”, những điều đang gây phương hại cho sự ổn định và cởi mở của thương mại toàn cầu”.
Báo cáo thường niên của IMF khuyến cáo Chính phủ Mỹ trong những tháng tới cần dành sự hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hộ gia đình và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, xử lý tình trạng ngày càng xuống cấp và những khiếm khuyết của hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì đại dịch.
Ngày 15/7, FED cho biết trong tháng 6 vừa qua nền kinh tế Mỹ bắt đầu cho thấy tín hiệu hồi phục, nhưng vẫn chưa thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 và triển vọng kinh tế dự báo ở mức "bất ổn cao".
Trong báo cáo khảo sát kinh doanh Beige Book tổng hợp số liệu của 12 khu vực, FED nêu rõ: "Hoạt động kinh tế đã tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi bùng phát đại dịch COVID-19".
Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, nhiều rủi ro, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về thời gian dịch bệnh kéo dài, nguy cơ có thêm các đợt sóng dịch mới, gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Khảo sát Beige Book được thực hiện trước ngày 6/7, phản ánh giai đoạn khi số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng cao trở lại ở các bang như Florida, Texas và Arizona, buộc chính quyền các bang phải tạm hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế.
Kết quả một báo cáo khác của FED công bố hằng quý cho thấy, trong tháng 6, tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ đã tăng 5,4% so với tháng 5. Tuy nhiên, tính cả quý II/2020 - thời điểm mà dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, sản lượng công nghiệp giảm 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
FED nhận định đây là mức giảm theo quý lớn nhất đối với lĩnh vực công nghiệp của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong khi đó, khu vực chế tạo tăng 7,2%, chủ yếu ghi nhận trong lĩnh vực ô tô, nhưng nếu tính cả quý II thì giảm tới 47%.
Các báo cáo trên được FED công bố trước thềm cuộc họp chính sách tiếp theo, dự kiến diễn ra trong tháng này. Nhìn chung, các báo cáo cho thấy, ngay cả với điểm sáng là doanh số ô tô và nhà ở tăng, nền kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo sẽ cần thời gian để nền kinh tế đầu tàu thế giới hồi phục về mức trước khủng hoảng dịch COVID-19.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 18/7 (theo giờ Việt Nam), với tổng cộng 3.762.202 triệu ca mắc và 141.905 ca tử vong vì dịch bệnh, Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất thế giới. Tình hình đại dịch ở Mỹ thậm chí đang diễn biến nghiêm trọng hơn và giới chuyên gia y tế cảnh báo đỉnh dịch còn chưa tới.
Trên bình diện thế giới, ngày 16/7, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch bệnh COVID-19. Bà đồng thời kêu gọi các chính phủ duy trì những chương trình cứu trợ hiện nay.
Tháng trước, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết các lệnh phong tỏa và việc đóng cửa biên giới thời gian qua đã khiến hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ, hàng trăm triệu việc làm mất đi.
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 4,9% trong năm nay, nghiêm trọng hơn nhiều so với mức 3% được đưa ra vào tháng 4 vừa qua và là mức sụt giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ước tính 12.000 tỷ USD sẽ "bốc hơi" trong vòng hai năm. Những cập nhật này hoàn hoàn tương đồng với những dự báo kinh tế gần đây.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) còn bi quan hơn với dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ở mức 5,2% trong năm nay. Theo IMF, kinh tế thế giới chỉ có thể phục hồi nhanh chóng vào năm sau.