Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ tụt dốc năm 2012

Nhà kinh tế có uy tín của Phố Wall, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu thuộc ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (Mỹ), Ethan Harris, vừa nhận định trong bối cảnh những khó khăn do đợt suy thoái kép hồi đầu năm 2011 của nền kinh tế Mỹ vẫn đang "ám ảnh" người dân nước này, nền kinh tế số một thế giới có nguy cơ tiếp tục "tụt dốc" trong năm 2012.

Nhà kinh tế có uy tín của Phố Wall, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu thuộc ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (Mỹ), Ethan Harris, vừa nhận định trong bối cảnh những khó khăn do đợt suy thoái kép hồi đầu năm 2011 của nền kinh tế Mỹ vẫn đang "ám ảnh" người dân nước này, nền kinh tế số một thế giới có nguy cơ tiếp tục "tụt dốc" trong năm 2012.

Ông Harris nhấn mạnh mặc dù kinh tế Mỹ đã lấy lại sức tăng trưởng trong thời gian gần đây, song nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục chứng kiến kinh tế suy giảm vào năm 2012.

Ông nói: “Kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kết thúc, nền kinh tế Mỹ đã vực dậy tăng trưởng trong một thời gian, nhưng sau đó sức tăng trưởng ngày một yếu đi, mỗi cú sốc xuất hiện đều làm chệch hướng của nền kinh tế." Chuyên gia này dự báo các cú sốc kinh tế trong thời gian tới chính là sự kết hợp giữa cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng ở châu Âu và các vấn đề tài chính ở Mỹ.

Ông Harris lưu ý sự suy thoái kinh tế tại châu Âu trong nửa đầu năm tới là điều gần như không thể tránh khỏi. Theo ông, 50 % khả năng châu Âu sẽ chỉ rơi vào suy thoái nhẹ, còn 40% là suy thoái nghiêm trọng." Điều này sẽ khiến hoạt động thương mại của Mỹ và lòng tin của giới đầu tư bị tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, các chính sách “thắt lưng buộc bụng” mới trị giá khoảng 1,5% GDP cũng góp phần làm hạn chế tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vào đầu năm tới.

Trong bối cảnh các chính sách tài khóa luôn gắn liền với mục đích chính trị, ông Harris dự đoán trong năm tới, Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tiếp tục gia hạn cam kết giữ lãi suất ở mức gần bằng không tới năm 2014 và công bố một chương trình mua tài sản lớn sau khi đợt nới lỏng định lượng mới nhất kết thúc vào mùa Hè tới. Tuy nhiên, chuyên gia Harris tỏ ra không mấy lạc quan về vai trò của vòng nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/kinh-te-my-doi-mat-voi-nguy-co-tut-doc-nam-2012/201112/118124.vnplus