Kinh tế Mỹ: Còn quá sớm để nói về suy thoái?

Số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ được công bố ngày 28/7 cho thấy, nền kinh tế đã suy giảm hai quý liên tiếp, khiến nhiều chuyên gia tin rằng, một cuộc suy thoái đáng lo ngại đã đến.

Theo chuyên gia, còn quá sớm để nói kinh tế Mỹ suy thoái. (Nguồn: Wall Street Journal)

Theo chuyên gia, còn quá sớm để nói kinh tế Mỹ suy thoái. (Nguồn: Wall Street Journal)

Quá sớm để nói Mỹ suy thoái

Về mặt kỹ thuật, hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra. Tuy nhiên, trong 10 ngày qua, một loạt số liệu từ nền kinh tế Mỹ chứng minh rằng, quá sớm để nói Mỹ suy thoái. Cụ thể:

Nền kinh tế đã tạo thêm hơn nửa triệu việc làm chỉ trong tháng 7.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5%, ở mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Lạm phát đã hạ nhiệt (nói một cách tương đối) trong tháng 7 đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Giá xăng giảm xuống dưới 4 USD/Gallon, lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Tâm lý người tiêu dùng đã được cải thiện.

Thị trường chứng khoán ghi nhận chuỗi xanh hằng tuần dài nhất kể từ tháng 11/2021.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nhận định, đà phục hồi kinh tế Mỹ vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Zandi nói: "Đây không phải là một cuộc suy thoái. Điều duy nhất báo hiệu một cuộc suy thoái đang diễn ra là những quý liên tiếp đón nhận GDP âm.

Tuy nhiên, sự sụt giảm GDP cuối cùng sẽ được điều chỉnh lại và đã có những chỉ số ban đầu cho thấy, GDP sẽ chuyển biến tích cực trong quý này".

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là nền kinh tế đang "khỏe mạnh". Lạm phát vẫn ở mức quá cao và nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thoát "bóng đen" suy thoái.

Suy thoái vẫn là một rủi ro thực sự, đặc biệt là trong năm tới và vào năm 2024, khi nền kinh tế hấp thụ toàn bộ tác động từ đợt tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Theo CNN, vẫn có khả năng nền kinh tế sẽ vấp ngã trong những tháng tới, đến mức các nhà kinh tế tại Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ - trọng tài chính thức quyết định Mỹ có suy thoái hay không - sẽ tuyên bố, một cuộc suy thoái bắt đầu vào đầu năm 2022. Nhưng hiện tại, còn quá sớm để nói về điều này.

Thị trường việc làm vẫn nóng

Vấn đề lớn nhất để lập luận rằng suy thoái chưa diễn ra đó là việc tuyển dụng nhân lực trên thị trường việc làm đã tăng lên đáng kể vào tháng 7.

Mỹ đã bổ sung 528.000 việc làm - con số đáng kinh ngạc vào tháng trước, đưa thị trường việc làm trở về mức trước đại dịch.

CNN Business nhận thấy, một nền kinh tế đang suy thoái không thể có thêm nửa triệu việc làm trong một tháng.

Brian Deese, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng nhấn mạnh, thị trường việc làm quá nóng. Đó là một vấn đề quan trọng trong những tháng tới bởi số liệu này sẽ cho phép Fed tăng lãi suất một cách mạnh mẽ mà không dẫn đến thiệt hại trên diện rộng cho thị trường lao động và nền kinh tế.

Hãng tin CNBC cũng cho rằng, chưa từng có một tiền lệ lịch sử nào mà ở đó một nền kinh tế đang suy thoái lại có thể tạo được 528.000 công việc mới trong một tháng như nền kinh tế Mỹ.

Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 7 là 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1969, cũng không phù hợp với định nghĩa về một cuộc suy thoái kinh tế.

Nhưng điều đó không có nghĩa là không có một cuộc suy thoái nào đang chờ nền kinh tế Mỹ phía trước.

Giám đốc đầu tư Jim Baird của Plante Moran Financial Advisors nhận định: “Vấn đề nằm ở chỗ sức mạnh của thị trường việc làm tạo thêm dư địa để tiếp tục tăng lãi suất và việc tăng lãi suất đó làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mà không gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng và nền kinh tế hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”.

"Cơn đau đầu" về lạm phát lớn nhất tại Mỹ - giá xăng dầu - cuối cùng cũng đã dịu đi một cách đáng kể. (Nguồn: Weforum)

"Cơn đau đầu" về lạm phát lớn nhất tại Mỹ - giá xăng dầu - cuối cùng cũng đã dịu đi một cách đáng kể. (Nguồn: Weforum)

Lạm phát đang hạ nhiệt

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, điều tồi tệ nhất đã qua trên "mặt trận" lạm phát.

"Cơn đau đầu" về lạm phát lớn nhất tại Mỹ - giá xăng dầu - cuối cùng cũng đã dịu đi một cách đáng kể. Giá xăng đã giảm hơn 1 USD kể từ khi chạm mức cao kỷ lục 5,02 USD/gallon.

Ngoài xăng, giá dầu diesel và nhiên liệu máy bay cũng đang giảm, giúp giảm bớt áp lực lạm phát đối với phần còn lại của nền kinh tế.

Cục Thống kê lao động Mỹ tuần trước cho biết, giá tiêu dùng trong tháng 7 cao hơn 8,5% so với một năm trước đó. Mặc dù mức này vẫn cao đáng báo động, nhưng đã giảm từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6.

Lạm phát giá bán buôn cũng có thể đạt đến đỉnh điểm. Chỉ số giá sản xuất - đo lường giá trả cho người sản xuất đối với hàng hóa và dịch vụ - đã giảm tốc trong tháng 7 nhiều hơn so với dự đoán của các chuyên gia so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0,5% trong tháng 7, lần giảm đầu tiên giảm kể từ tháng 4/2020.

Các số liệu tốt hơn mong đợi không chỉ phản ánh giá năng lượng giảm mà còn cho thấy, căng thẳng trong chuỗi cung ứng do Covid-19 gây nên cũng đang hạ nhiệt.

Suy thoái kinh tế sẽ như thế nào?

Suy thoái hay không suy thoái vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi tại Mỹ.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới rõ ràng đang bị tổn thương vì chi phí sinh hoạt quá cao. Trong khi đó, tiền lương thực tế, được điều chỉnh theo lạm phát, đang thu hẹp lại.

Tâm lý người tiêu dùng được Đại học Michigan khảo sát đã tiếp tục tăng. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng từ 51,5 điểm trong tháng 7 lên 55,1 điểm trong nửa đầu tháng 8. Con số này vẫn gần mức thấp kỷ lục.

Dù vậy, đối với nhiều người, một cuộc suy thoái thực tế sẽ còn đau đớn hơn nhiều so với hiện tại.

Suy thoái có thể sẽ kéo theo việc mất hàng triệu việc làm. Không thể trả tiền thế chấp, các gia đình sẽ phải đối mặt với việc bị tịch thu nhà. Các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn cũng sẽ tổn thất nặng.

Theo CNN, "đèn đỏ nhấp nháy" trên thị trường trái phiếu cho thấy, suy thoái có thể "gõ cửa" kinh tế Mỹ.

Đường cong lợi suất - khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm - vẫn đảo ngược. Trong quá khứ, đây là một dự đoán chính xác về các cuộc suy thoái.

Nhìn chung, dữ liệu kinh tế gần đây thể hiện, suy thoái tiềm ẩn có thể đã bị trì hoãn chứ không phải không thể diễn ra.

Nhà kinh tế Zandi cho biết, trong khi nguy cơ suy thoái trong vòng 6 đến 9 tháng tới đã giảm xuống, thì rủi ro của một cuộc suy thoái trong vòng 12 đến 18 tháng tới đã tăng lên.

Nhà kinh tế này nhấn mạnh: "Tỷ lệ đặt cược vào suy thoái vẫn cao một cách khó chịu".

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-con-qua-som-de-noi-ve-suy-thoai-194580.html