Kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt sau các biện pháp kiềm chế lạm phát
Trong tháng trước, tăng trưởng tiền lương của người lao động đã giảm tốc, với mức tăng hàng năm giảm xuống còn 6,9% đối với những người không thay đổi công việc.
Ngày 5/4, công ty nghiên cứu ADP công bố báo cáo cho biết các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã giảm tốc độ tuyển dụng trong tháng Ba.
Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hạ nhiệt sau các biện pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo ADP, các doanh nghiệp đã tạo thêm 145.000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn rõ rệt so với con số 261.000 đã điều chỉnh trong tháng Hai và yếu hơn so với dự đoán của các nhà phân tích.
Trong tháng trước, tăng trưởng tiền lương của người lao động đã giảm tốc, với mức tăng hàng năm giảm xuống còn 6,9% đối với những người không thay đổi công việc. Đối với những người lao động đã thay đổi công việc, mức tăng lương cũng hạ xuống còn 14,2%.
Rubeela Farooqi, nhà kinh tế tại High Frequency Economics, nhận định số liệu trên cho thấy thị trường lao động đang dần yếu đi trước sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất và tác động dự kiến sẽ lan rộng hơn khi chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Cùng ngày 5/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng Hai tăng 2,7% lên 70,5 tỷ USD do xuất khẩu hàng hóa giảm. Số liệu này cho thấy thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023.
Trong tháng Hai, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 2,7% xuống 251,2 tỷ USD, giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại và đà tăng của đồng USD khiến hàng hóa Mỹ mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,5% xuống 321,7 tỷ USD.
Nhu cầu trong nước chậm lại khi chi phí đi vay cao hơn khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc gia tăng lượng hàng tồn kho.
Trước đó, theo kết quả khảo sát được Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố ngày 3/4, hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm do số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát lại giảm bớt khi hiệu suất giao hàng của nhà cung cấp đạt mức nhanh nhất kể từ tháng 3/2009.
Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ do ISM đo lường đã giảm xuống mức 46,3 vào tháng Ba, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, giảm từ mức 47,7 của tháng Hai. Đây cũng là tháng thứ năm liên tiếp PMI sản xuất duy trì dưới ngưỡng 50, cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, các dữ liệu chính lại cho thấy ngành sản xuất, chiếm 11,3% nền kinh tế Mỹ, tiếp tục tăng trưởng vừa phải.
Theo Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, các đơn đặt hàng mới đã giảm mạnh trong tháng Ba và điều này nhiều khả năng dẫn đến sản xuất đình trệ và nhiều công nhân bị sa thải hơn vào mùa Xuân và mùa Hè./.