Kinh tế Anh đang đối mặt với những thách thức lớn

Kinh tế Anh gặp khó khăn trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, lĩnh vực y tế và các dịch vụ khác chịu sức ép trong khi năng lực tài chính công có rất ít dư địa để khắc phục các vấn đề này.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau cuộc bầu cử tại Anh vào ngày 4/7, chính phủ mới của nước này sẽ phải đối mặt những thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Nền kinh tế gặp khó khăn trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, lĩnh vực y tế và các dịch vụ khác chịu sức ép trong khi năng lực tài chính công có rất ít dư địa để khắc phục các vấn đề này.

Chính phủ cũng đang tụt hậu so với các mục tiêu về nhập cư và xây dựng nhà ở.

Giống như nhiều quốc gia giàu có khác, tăng trưởng kinh tế của Anh chậm chạp trong phần lớn thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Xét đến sự thay đổi về số lượng dân số - vốn đã tăng mạnh nhờ số lượng người nhập cư - tốc độ tăng trưởng kể từ năm 2010 của Anh đã yếu hơn so với Đức và tụt hậu xa so với Mỹ.

Sau đại dịch COVID-19, kinh tế Anh đang bước vào một giai đoạn khó khăn khi giá năng lượng tăng vọt.

Kể từ sau đại dịch, Anh là nền kinh tế có "sức khỏe yếu thứ hai" trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tỷ lệ người nghèo tại Anh tiếp tục giảm nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại kể từ năm 2010. Năm 2019-2020, có 4% người trưởng thành trong độ tuổi lao động không thể chi trả hóa đơn tiền điện của họ. Ba năm sau, tỷ lệ này đã tăng lên 11%.

Chính phủ Anh đã không đạt được mục tiêu giảm lượng di cư ròng, ngay cả sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) và không đảm bảo quyền tự do đi lại của người lao động trong khối.

Số lượng di cư ròng giảm từ mức kỷ lục 764.000 năm 2022 xuống còn 685.000 năm 2023 nhưng cao gần gấp bốn lần so với mức của năm 2019. Một trong những lý do khiến lượng nhập cư tăng là do thiếu lao động.

Dịch vụ y tế cũng đang gặp khó khăn. Số người chờ điều trị không khẩn cấp, đạt gần 8 triệu người vào cuối năm 2023, gần gấp đôi so với 4 năm trước đó.

Kể từ năm 2010, chi tiêu y tế được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng chậm hơn mức tăng trung bình kể từ những năm 1950 giữa bối cảnh dân số ngày càng tăng và già đi.

Chìa khóa cho chính phủ tiếp theo để giải quyết nhiều thách thức cấp bách nhất của Anh là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, qua đó gia tăng thu nhập cho các hộ gia đình lẫn thu ngân sách.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Anh cần phải cải thiện năng suất lao động. Bên cạnh đó, Anh cũng cần gia tăng đầu tư vào khu vực tư nhân nhưng các doanh nghiệp đã trở nên thận trọng hơn trong hoạt động đầu tư kể từ năm 2016, năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-anh-dang-doi-mat-voi-nhung-thach-thuc-lon-post962400.vnp