Kinh tế 6 tháng đầu năm nhìn từ sự phục hồi xuất khẩu

Xu hướng hồi phục xuất khẩu ở Đồng Nai cũng như cả nước đang thể hiện rõ nét khi quý sau cao hơn quý trước. Các doanh nghiệp (DN) dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm cũng sẽ bớt khắc nghiệt hơn so với năm trước và giai đoạn đầu năm, tạo nên sự lạc quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành may mặc trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.GIA

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành may mặc trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.GIA

Tuy nhiên trong bối cảnh bất định bởi bất ổn địa chính trị thế giới, rào cản thương mại và các tiêu chuẩn cao của đối tác thương mại trên thế giới, cộng đồng DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, đa số vẫn là gia công và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên cần có giải pháp để tháo gỡ.

Xuất khẩu hồi phục

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.

Khảo sát các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy 79% DN đánh giá quý II thuận lợi hơn hoặc ổn định so với quý I; 21% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Xu hướng hồi phục tiếp tục tiến triển khi 82,9% DN dự báo quý III khả quan hơn hoặc ổn định hơn quý II.

Điểm tích cực của nền kinh tế là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hồi phục rõ nét. Trong quý II, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I. Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa gần 191 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 88% trong tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu tăng trưởng nên cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,6 tỷ USD.

Tại Đồng Nai, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,8%, đây là mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 (4,01%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng hơn 9% và nhập khẩu đạt gần 8,3 tỷ USD, tăng hơn 7,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện hơn 57,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 11,3% so với cùng kỳ. Đến ngày 20-6, thu hút đầu tư FDI đạt khoảng gần 926,2 triệu USD, có 47 dự án đăng ký mới với tổng vốn hơn 565 triệu USD và 54 dự án tăng vốn thêm gần 361 triệu USD. Toàn tỉnh cũng có hơn 2 ngàn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 15 ngàn tỷ đồng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu của nửa đầu năm có sự phục hồi tốt hơn năm trước nên đã ghi nhận sự tăng trưởng khá. Trong đó, sự gia tăng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng rất lớn. Điều này phản ánh sự tích cực trong thời gian gần đây của nền kinh tế khi công nghiệp vẫn là trụ đỡ để Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

DN vẫn chịu nhiều áp lực

Dù đã có những dấu hiệu tích cực và tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng nhìn nhận một cách thực tế, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía người mua trên toàn cầu.

Theo các chuyên gia, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm Việt, nhất là nông sản, chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, gia công nên giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, DN Việt trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế. Cùng với đó, tỷ trọng xuất khẩu của các DN khối FDI đang rất cao, DN Việt quy mô nhỏ, ngoại trừ một số đơn vị lâu năm thì hầu hết mới gia nhập thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Seiko (thành phố Biên Hòa), DN Việt có cơ hội lớn để tự chủ, thoát khỏi cảnh làm thuê nhưng muốn có điều đó, ngoài nỗ lực tự thân thì cần chính sách đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Nhà nước. Điều mà ông mong muốn lớn nhất là sản phẩm mình làm ra tương đương như sản phẩm cùng loại của nước ngoài nhưng lại do người Việt Nam tự chủ công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm.

Xuất khẩu hiện vẫn là yếu tố chủ đạo của kinh tế, tuy nhiên tình hình địa chính trị thế giới vẫn đang diễn biến phúc tạp. Các cuộc chiến tranh về quân sự, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc sẽ có thể gây ra những yếu tố bất định. Để có thể tiếp tục xu thế hồi phục, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần phải tập trung hỗ trợ, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Cùng vời đó, cần gia tăng hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Việc hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu cũng là điều vô cùng cần thiết.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/kinh-te-6-thang-dau-nam-nhin-tu-su-phuc-hoi-xuat-khau-d54462a/