Kinh doanh ở chợ Á Thành ế ẩm vì… trâu
Tháng 7/2019, chợ Á Thành đóng tại thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh được đưa vào hoạt động. Trong đó, có 10 lô, quầy của chợ nằm sát đường sinh thái dẫn vào Rú Lịnh nên hằng ngày, các hộ kinh doanh nơi đây phải chịu cảnh đàn trâu hàng chục con phóng uế bừa bãi giữa đường làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường đối với người dân sống gần chợ.
Hàng quán ế ẩm vì chất thải của đàn trâu
Bất lực trước sự phóng uế bừa bãi của đàn trâu và chính quyền xã Hiền Thành không có biện pháp xử lý hữu hiệu, người dân đành phản ánh sự việc với Báo Quảng Trị qua đường dây nóng. Đầu giờ chiều ngày 6/7/2020, phóng viên có mặt tại “hiện trường”, chứng kiến cảnh phân trâu ngỗn ngang ngay bên cạnh tấm biển tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được dựng bên đường sinh thái của thôn Liêm Công Tây. Còn chị T.T.N., chủ một quán nước giải khát đối diện chợ Á Thành thì ngồi bần thần nhìn ra mặt đường nhựa bám đầy phân trâu, lâu lâu chị lại phải đưa tay lên bịt mũi vì mùi hôi thối theo làn gió Nam thổi thốc vào trong quán. Phía bên kia đường, một loạt hàng quán kinh doanh dịch vụ, tạp hóa thuộc chợ Á Thành cũng đóng cửa im lìm. Chỉ có 2 quán bán hàng tạp hóa và điện dân dụng là còn mở cửa nhưng không có khách nào tới mua hàng.
Chỉ tay ra mặt đường nhựa được phủ một lớp phân trâu khô dày, chị N. nói: “Nhiều tháng nay, mỗi ngày từ sáng sớm, các hộ nuôi trâu trong thôn lùa đàn trâu gần trăm con từ nhà ra ruộng rồi chiều muộn lại lùa đàn trâu từ ruộng về nhà. Mỗi lần đàn trâu đi qua là phóng uế cả đường, rồi xe cộ qua lại làm bắn tung tóe khắp mặt đường và vào cả trước quán của tôi, vừa bẩn vừa hôi nên không buôn bán được gì cả vì không có khách nào muốn tới mua hàng”.
Chị N. cho biết thêm: “Trời nắng còn đỡ chứ những ngày trời mưa lớp phân trâu khô gặp nước bốc lên mùi hôi thối và nước bẩn chảy lênh láng khắp nơi. Trước tình hình đó, các hộ kinh doanh ở chợ Á Thành đã tính đến nước viết đơn kêu cứu gửi lên xã”.
Quầy bán điện máy - điện dân dụng của anh Lê Thành Trung cũng khốn khổ với việc trâu phóng uế tràn lan ra đường. Trước cửa quán anh Trung và những quán khác có một bao tải lớn đựng chất thải của đàn trâu do người dân tự thu dọn. Anh Trung thuê quầy này từ tháng 7/2019, mỗi tháng 600 ngàn đồng nhưng thời gian anh đóng cửa quán nhiều hơn mở, bởi vì người dân trong thôn không muốn đi qua đoạn đường này để mua hàng. “Tôi kinh doanh hàng điện máy - điện dân dụng nhưng chỉ bán được mấy tháng mùa đông vì mùa này họ trồng lúa nên đàn trâu không được thả ra ruộng. Vào mùa khô, mỗi ngày 2 lượt đàn trâu đi qua cửa quán, phóng uế tràn cả mặt đường, bắn vào tận quán. Từ đầu năm đến nay, tôi không thu được lợi nhuận, hàng hóa ế ẩm. Người đi đường đi qua đây còn phải nhăn mặt, nín thở thì có ai còn muốn đến mua hàng nữa”, anh Trung bức xúc nói.
Không chỉ có chị N., anh Trung mà nhiều chủ hộ kinh doanh ở chợ Á Thành đoạn giáp với đường sinh thái đều phải chịu mùi hôi thối, chất bẩn tràn vào quán. Qua tiếp xúc, các hộ kinh doanh mong muốn chính quyền các cấp sớm giải quyết dứt điểm, để các hộ chăn nuôi cho đàn trâu đi đường khác để ra đồng, không gây ô nhiễm môi trường.
Phải xử lý dứt điểm để bảo vệ môi trường
Chúng tôi đem tâm tư, nguyện vọng của những hộ kinh doanh trên đến gặp Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiêm. Anh Kiêm cho hay, chợ Á Thành do Công ty TNHH MTV Xây dựng Á Thành làm chủ đầu tư xây dựng. Chợ được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2019 với 20 lô quầy, đến nay đã có 10 lô quầy được cho thuê. Trong đó, có 10 lô quầy nằm ở mặt tiền đường sinh thái, đoạn gần cổng chào thôn Liêm Công Tây, 10 lô quầy giáp mặt tỉnh lộ 574. “Xã đã nhận được phản ánh của người dân và các hộ kinh doanh về tình trạng người dân Xóm 2, Xóm 3, Xóm 4 thuộc thôn Liêm Công Tây thả đàn trâu đi qua chợ bằng đường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường vì đàn trâu phóng uế”, anh Kiêm nói.
Sau khi nhận được thông tin từ người dân, xã đã chỉ đạo ban cán sự thôn Liêm Công Tây tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trâu không để đàn trâu đi tập trung một lúc gần trăm con mà có thể đi lẻ tẻ theo đàn của từng gia đình hoặc cho đàn trâu đi theo những tuyến đường khác để ra đồng. “Đường thứ nhất đi qua thôn Liêm Công Đông, nhưng đường này gần Trường THCS Đinh Tiên Hoàng. Đường thứ 2 gần Trường Tiểu học Vĩnh Thành. 2 đường này dễ gây tai nạn vì có độ dốc cao, gây nguy hiểm cho các em học sinh. Đường thứ 3 là đi qua đường sinh thái. Đường thứ 4 là đường bê tông gần trụ sở UBND xã, đây là con đường khả dĩ nhất để đàn trâu đi ra đồng, vừa không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh ở chợ Á Thành. Tuy nhiên vì xa hơn đường sinh thái nên các hộ dân không thả trâu qua đường này”, anh Kiêm cho hay.
Khi được hỏi về giải pháp lâu dài để xử lý dứt điểm tình trạng này thì anh Kiêm cho biết: “Xã chỉ vận động, tuyên truyền các hộ chăn nuôi đi đường khác hoặc có đi đường sinh thái thì không đi tập trung chứ không thể cấm họ chăn nuôi được. Giải pháp khác, xã chưa nghĩ ra. Quan trọng là ở ý thức của người dân”.
Thiết nghĩ, xã Hiền Thành cần có giải pháp tối ưu để vừa phát triển chăn nuôi, sản xuất của Nhân dân vừa đảm bảo việc kinh doanh của các hộ ở chợ Á Thành, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Để làm được điều này, theo chúng tôi, nếu vận động mà người dân không chấp hành thì chính quyền địa phương có thể ra quy định đàn trâu không được đi qua đường sinh thái mà phải đi đường bê tông (gần trụ sở UBND xã) để ra đồng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=149728