Kiêu hãnh 'nhớ về', vững tin đi tới!
Thấm nhuần quan điểm của Đảng và ghi nhớ sâu sắc các bài học của lịch sử, cán bộ, đảng viên, người dân Hà Tĩnh luôn giữ vững niềm tin tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Năm 2025 có thể hình dung như một điểm hẹn của ký ức lịch sử khi có 5 sự kiện trọng đại kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước được Ban Bí thư đưa vào kết luận để tổ chức, đảm bảo trang trọng, phát huy ý nghĩa. Trong xuân mới ấm nồng, cả nước hướng về Đảng ta - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc với kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), cũng là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hướng về những sự kiện vẻ vang của dân tộc được làm nên từ vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh như: kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Thấm nhuần quan điểm của Đảng và ghi nhớ sâu sắc các bài học của lịch sử, cán bộ, đảng viên, người dân Hà Tĩnh luôn giữ vững niềm tin tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động để trí tuệ và sức lực của mỗi người tựa như sinh thể tế bào góp vào sức mạnh lớn của dân tộc nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ông NGUYỄN NHƯ VIẾT (SN 1943), 60 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng bộ Cơ quan dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh
Cách đây 95 năm, lịch sử dân tộc ta ghi dấu một mốc son mới chói lọi với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - đó cũng chính là mùa xuân đầu tiên Nhân dân ta có Đảng. Từ mùa xuân ấy, với sự ra đời của Đảng, ý Đảng hợp lòng dân tạo nên sức mạnh to lớn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: đánh đuổi hoàn toàn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đẩy lùi quân xâm lược biên giới phía Bắc và phía Nam, xây dựng CNXH, mang đến độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Mỗi hành trình đi tới mùa xuân của Đảng đều trải qua nhiều mất mát hy sinh, đó là máu, nước mắt và mồ hôi của bao thế hệ tiền bối cách mạng, anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, của các tầng lớp nhân dân.
95 mùa xuân, nhìn lại chặng đường đã qua càng củng cố thêm niềm tin với Đảng, để tự hào nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống cách mạng, gia đình đảng viên, từ nhỏ, tôi đã được cha ông trao truyền tình yêu quê hương, đất nước, yêu Đảng. Đời tôi lớn lên và trưởng thành nhờ có Đảng dìu dắt, rèn luyện, dẫn lối. Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm để tôi rèn luyện mình và giáo dục con cháu. Suốt những năm tháng khi là giáo viên tại Trường Trung cao cơ điện miền Bắc, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy hay lãnh đạo Đảng bộ Cơ quan dân chính Đảng tỉnh, tôi luôn tự rèn luyện mình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng; giữ mối quan hệ mật thiết quần chúng; nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao và không vi phạm điều gì.
Đến bây giờ, khi tuổi đã cao, tôi vẫn tham gia sinh hoạt Đảng, tham gia các tổ chức đoàn thể và sẵn sàng thực hiện những việc Đảng giao; luôn gương mẫu để con cháu noi theo; cùng bạn bè, gia đình góp sức xây dựng đoàn kết trong Đảng. Vợ tôi năm nay cũng đã 60 năm tuổi Đảng; 6 người con, dâu, rể đều là đảng viên gương mẫu đang góp sức thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị.
Đảng ta, đất nước ta đang trong thời cơ, vận hội mới, mong rằng thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, cùng nhau rèn đức, luyện tài, ra sức học tập, cống hiến, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, xây dựng Tổ quốc ngày càng hùng cường, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong.
Ông NGUYỄN QUỐC TUẤN - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Bản tuyên ngôn là văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Ngay sau khi giành độc lập, trong điều kiện cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên hàng đầu cho việc tiến hành tổng tuyển cử để Nhân dân được hưởng quyền tự do, dân chủ, lập nên chính quyền của dân và ban hành bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ vào ngày 9/11/1946, cũng là ngày sau này được lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của Hiến pháp, pháp luật, của “thần linh pháp quyền” đối với việc “bảo toàn lãnh thổ”, “kiến thiết quốc gia”. Từ đó đến nay, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nói chung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, được thể hiện tập trung trong: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể hóa các chủ trương trên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo nền tảng pháp lý để phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Đối với Hà Tĩnh, ngày 7/2/2023, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, đặc thù của địa phương.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 16 nhóm giải pháp cụ thể nhằm xây dựng hệ thống thể chế của tỉnh mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển…
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Qua đó, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để sửa đổi, bổ sung phù hợp đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận và điều chỉnh các quan hệ xã hội; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.
Cựu chiến binh PHAN TẤT THẮNG (SN 1952, thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên):
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc bằng chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của dân tộc ta, của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng.
Trong những trang sử vàng son của dân tộc, tôi tự hào khi được góp một phần nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1971, khi vừa 19 tuổi, tôi xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành người lính của Sư đoàn Bộ binh 325 (Bắc Giang). Tháng 5/1972, tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Tháng 3/1973, tôi được cử đi học tại Trường Sỹ quan Lục quân (nay là Trường Sỹ quan Lục quân 1). Khi đang học tại đây, tôi và đồng đội vui mừng, vỡ òa niềm hạnh phúc khi nhận tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong niềm vui ấy, chúng tôi đã không kìm được nước mắt, nhớ về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường để đổi lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc. Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm đỏ những trang sử hào hùng, tô thắm lá cờ quang vinh của Đảng, tiếp nối mạch nguồn dựng nước và giữ nước của ông cha. Sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ là minh chứng hùng hồn cho lời dạy của Bác Hồ: “Họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam”.
Trải qua những mất mát đau thương, khốc liệt của chiến tranh mới thấy được giá trị của độc lập, hòa bình. Vì lẽ đó, tôi và các thế hệ kinh qua gian khổ, ác liệt trong chiến tranh luôn mong và tin tưởng rằng, thế hệ trẻ luôn biết quý trọng, gìn giữ và bảo vệ những thành quả cách mạng mà cha ông mình đã chiến đấu, hy sinh, đánh đổi bằng cả xương máu. Tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ Hà Tĩnh nói riêng có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, cần phải nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, sống có lý tưởng, hoài bão để cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Đó cũng chính là cách tốt nhất để thể hiện lòng yêu nước, biết ơn đối với những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cô PHAN THỊ ÁI VÂN - giảng viên Trường Chính trị Trần Phú:
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta di sản vô cùng quý giá. Đó là thời đại Hồ Chí Minh; là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Dù ở giai đoạn cách mạng nào, vai trò của người thầy cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là vai trò của đội ngũ giảng viên các trường chính trị đối với sự nghiệp xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đó, thời gian qua, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên nhà trường luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng, là mục tiêu phấn đấu cũng là tiền đề để thực hiện tốt các vai trò, nhiệm vụ.
Giảng viên trường chính trị là những người được đào tạo bài bản về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi vậy, để phát huy vai trò của mình, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Trần Phú nói chung, bản thân tôi nói riêng luôn không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tu dưỡng đạo đức; đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, gương mẫu giữ gìn tư cách, phẩm chất của người giảng viên. Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu; thực hiện học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn một cách kiên trì, bền bỉ, sáng tạo.
Học và làm theo Bác càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là bài học vĩnh cửu để mỗi cán bộ, giảng viên vận dụng đổi mới phương pháp, tác phong làm việc, nhằm xây dựng đội ngũ vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường.
THU HÀ - VĂN CHUNG - TRUNG DÂN (GHI)
TRÌNH BÀY: HUY TÙNG
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/kieu-hanh-nho-ve-vung-tin-di-toi-post280562.html