Kiều Duy Khánh, đường văn rong ruổi

Tôi cứ thế quen với Kiều Duy Khánh mà chả nghĩ ngợi gì. Chúng tôi cùng tuổi Canh Thân (1980), lại cùng sinh ra ở Sơn La. Anh hiền lành, ít nói, lúc uống rượu thì mặt đỏ bừng như mặt trời Châu Yên.

Một lần, sau khi dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX (do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) năm 2016, mấy anh em cùng đến Báo Thiếu niên Tiền phong, tôi mới vỡ lẽ: hóa ra Khánh đã viết hay từ lúc còn là học sinh phổ thông chứ đâu phải trung niên mới chập chững như tôi. Truyện ngắn đầu tay "Mùa nhãn rừng" (đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi “Trang viết đầu tay” của Báo Thiếu niên Tiền phong năm 1996) là bước chân đầu tiên trên con đường sáng tạo âm thầm nhưng quyết liệt mà chính anh đã chọn.

Kiều Duy Khánh cùng với các nhà văn Tây Bắc như Nông Quang Khiêm, Hoàng Anh Tuấn đã viết từ lúc còn là những cậu bé quàng khăn đỏ rồi trở thành cộng tác viên quen thuộc của các ấn phẩm văn nghệ như: Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ Công an, Báo Văn nghệ… lúc nào không hay.

Xem lại ảnh anh hồi bé, tôi bắt gặp một cậu bé có đôi mắt sáng, nụ cười hiền ở mảnh đất Yên Sơn - Yên Châu (Sơn La). Lớn lên, Khánh theo nghề của bố mẹ trở thành người công nhân cầu đường hàng ngày bảo dưỡng những tuyến đường liên tỉnh, liên huyện. Đôi chân không mỏi, đôi mắt cay sè bụi đường Yên Châu đỏ quạch nhưng trong tâm hồn con người này luôn có dòng suối Chờ Lồng trong mát, có tiếng họa mi núi rừng Tây Bắc líu lo; trong giấc mơ có hình bóng con sói lửa, có mùa hoa ban trở lại, có khói chiều biên ải bình yên trong tình hữu nghị Việt-Lào…

Các sáng tác đó đã giúp anh đoạt nhiều giải thưởng như: Giải B, C của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam 2017; Giải A, B, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La; Giải Ba, Cuộc thi thơ và truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” 2017 - 2018 do Hội VHNT Hòa Bình và báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức…

Nếu đi tìm một điều gì đặc biệt trong văn chương của anh thì ta sẽ gặp “chất Sơn La” đằm sâu. Kiều Duy Khánh viết mộc mạc, chữ nghĩa không gọt giũa cầu kì, mọi câu từ hoa mỹ anh nhường hết cho người khác và giữ lại cho mình sự bình thản với một cách hay riêng. Sở trường của tác giả này là những truyện ngắn viết về miền rừng núi Sơn La xen với các yếu tố lịch sử và truyền thuyết.

Trong truyện ngắn “Khói chiều biên ải”, hiện ra một trang sử cách mạng với sự đoàn kết của hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Lào. Hơn 70 năm đã trôi qua, người đọc vẫn cảm nhận được khẩu khí của người thủ lĩnh dân tộc Mông Tráng Lao Khô: “Đây là bản Phiêng Sa rồi. Bộ đội tên gì? Quang à. Ta tên Lao Khô. Biết tên thì gọi tên cho nó thành anh em con cháu. Ở đây cũng khổ như bản Súp Pia, Kéo Điếng bên Lào. Giặc Tây nó về cướp bóc, bắt người đi phu, khổ hơn con trâu con bò. Từ ngày bộ đội Quyết Tiến và ban xung phong Lào Bắc về lập căn cứ, thỉnh thoảng lại đánh một trận lớn. Thanh niên bản ta đi theo bộ đội, làm du kích hết rồi”.

Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 100 chữ nhưng Kiều Duy Khánh đã khắc họa được lập trường, bản lĩnh và tình cảm của người miền núi yêu nước, và tình hữu nghĩ sâu đậm.

Cuộc sống và công việc buộc Kiều Duy Khánh đi nhiều, từ chỗ phải rong ruổi gần trăm cây số mỗi ngày rồi ăn ngủ nơi công trường khắc phục sự cố, làm đường đã giúp anh đến với dân, gần những người lao động chất phác mà đắm say những miền đất quê hương từ lúc nào.

Sơn La đẹp bởi Sông Đà chảy dọc xứ Thái và những đỉnh núi, hang động kì vĩ cùng hệ động thực vật phong phú. Rừng Sơn La vẫn còn xanh và những câu chuyện cổ chưa bao giờ cạn như chén rượu đầy. Bởi thế, thế giới nghệ thuật trong anh đầy ắp những địa danh: núi Tà Lùng, rừng Tô Buông, bản Yên Thuội; hủm Tà Dê, suối Nặm Lẹ, núi Cô Linh, đỉnh Cơi Pòn, Hơ Ngo… Có lẽ Kiều Duy Khánh sẽ còn mải mê, sẽ không bao giờ ra miền hoa ban trắng Sơn La. Bên cạnh đó, thể hiện một cái nhìn chân thật như thể anh vừa bắt gặp ở bản này, xóm kia rồi kể lại để độc giả tin rằng: Trên đời này, ở nơi xa xôi ấy vẫn có những người yêu thật lòng như anh chàng Khàng trong truyện ngắn “Hoa sàng giàng”:

“Hiền đã về từ lâu mà Khàng vẫn cứ ngẩn ra mãi, quên cả làm cho xong cái nỏ. Đôi mắt Khàng bần thần nhìn những vết dép Hiền để lại trên sân hằn sâu và rõ. Cứ nhìn mãi những vết dép. Nhìn chán rồi thì đứng dậy, lấy chân mình đặt lên trên, thấy bồi hồi thế. Vội lấy những hòn đá, hòn gạch quanh sân xếp chặn quanh những vết dép chạy dài ra tận cổng để con gà không bới, con lợn không ủi làm mất đi”.

Còn nếu chi tiết lãng mạn này do tác giả hư cấu thì khi được đọc thì biết đâu khối anh chàng si tình của bản sẽ ồ lên: “Có thế mà không nghĩ ra”. Thế mới nói, Kiều Duy Khánh cũng hào hoa và đắm say lắm chứ, anh tìm thấy vẻ đẹp trong con người miền núi và trở lại giúp người đọc hướng thiện như thế đó…

Nếu bạn là người yêu thơ ca, tìm kiếm trên Google sẽ gặp nhà thơ Kiều Duy Khánh. Lạ, cái tên ấy có gì đẹp mà ai đó lại chọn làm bút danh hay có sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Chỉ biết là:

Hạt bụi gầy trằn trọc những mỏi mơ
hình như cũng gồ ghề sống trâu, ổ gà, đá lăn đất lở
chằng chịt nứt mai rùa con đường chưa kịp cũ
giật thót những vòng xe

Những công nhân đội đá vá đường
lấy tuổi mình đo màu khói nhựa
nhựa non khói đen nhựa già khói đỏ
khói như mây và tóc chậm chạp già

Chuyện của mình cứ oang oang mà kể
“cung” làm thước đo, “hạt” mái nhà
ăn tập thể ngủ cũng phòng tập thể
đất bụi công trường có mấy góc riêng tư

(Gửi người bạn công nhân cầu đường)

Tác giả Kiều Duy Khánh.

Tác giả Kiều Duy Khánh.

Thú thực, lấy đâu ra một Kiều Duy Khánh nữa, chỉ có anh mới có giấc ngủ “mỏi mơ” cùng với họ sau ngày dài mệt nhọc. Khi thân thể mệt rã rời, giấc mơ lại đến, vẫn là những “gồ ghề sống trâu, ổ gà, đá lăn đất lở” hiện ra chứ chẳng có thiên đường nào. Người công nhân làm đường cần mẫn, con đường đẹp lên bằng mồ hôi dưới nắng gắt, gió Lào chứ chẳng có phép màu siêu nhiên. Người “công nhân đội đá vá đường” là hình ảnh ấn tượng nhất, mang sức mạnh kì diệu nhất.

Hơn bốn mươi năm sống và viết, Kiều Duy Khánh thấm thía cách ứng xử người miền núi trong kết cấu xã hội đặc trưng của bản Mường. Có chút gì đó nhún nhường trong ứng xử với tự nhiên: “Ở cao nên nhà làm thấp/ Bão đi qua thì cúi đầu”. Còn trong ứng xử với cộng đồng, đồng bào ta lại thể hiện sự gắn kết, hòa thuận cùng kiên cường bám trụ: “Nhà cùng một hướng như nhau/ Nương gối vào nương thành dốc/ Không ai làm cổng, rào riêng/ Ranh giới là lời giao ước” (Bản mình).

Là một người viết khởi đầu ở truyện thiếu nhi, có nhiều truyện ngắn hay nhưng đọc thơ anh không ai nghĩ đó là “tay trái”, là “sở đoản”. Ưa thích dùng những cú pháp đơn giản, như thể muốn các bạn công nhân và bà con dân bản cùng nghe, Kiều Duy Khánh cứ thế viết: “Ngọt tiếng nào gọi bạn/ Đắng tiếng nào lẻ đôi” (Ngủ trong bóng gió); “Con chim sẻ nhặt hạt đem gieo ở phía bìa rừng/ Con chim sẻ hay là hồn của mẹ” (Hạt bông)…

Ngoài truyện ngắn và thơ, thi thoảng lại thấy nhà văn của núi rừng Sơn La chắt lọc những suy cảm trong thể tản văn. Vẫn phong cách ấy, thật như một thước phim, dung dị như một người đi rừng mà sâu lắng trong sự liên tưởng của người đọc. Mới đây thôi, khi mùa măng đắng đã rời xa, anh lặng lẽ tri ân hương vị ấy: “Rồi thì cái vị ngọt của măng sẽ chuyển dần sang vị đắng. Lúc đầu còn nhằng nhặng, sau rồi đắng giòn, đắng dai. Bữa cơm tối chỉ đĩa măng luộc bổ bốn, vài cái măng nướng bổ đôi. Chấm miếng măng vào bát chẩm chéo, rồm rộp nhai. Vị đắng đến ù tai, đến xoắn lưỡi, thế mà thấy ngon, thấy thích, thấy nhớ. Thấy thèm đến cồn cào khi một mùa măng nào đó phải xa núi, xa nhà” (Măng đắng cuối mùa)

Đọc trang viết nào của nhà văn này, ta cũng bắt gặp sự gồ ghề, góc cạnh, cằn cỗi, gai góc, sắc nhọn, đơn lẻ, ma mị… từ nhan đề, như: “Cây đào già trên núi”, “Hạt vía thiêng”, “Con ma của rừng già”, “Hồn piêu”, “Lửa bạc”, “Trái tim sói tuyết”… nhưng điều mà anh gửi đến người đọc lại rất ngọt ngào và nhân ái.

Lắng lại sau tất cả những cảm xúc vẫn là một Kiều Duy Khánh tha thiết. Tôi nhớ cái lần chia tay anh và các nhà thơ trẻ của miền núi ở bên xe, anh khoác chiếc ba lô bước đi quả quyết như một người lính về đơn vị, như một người thợ vào ca. Nhưng rồi, đi được vài bước thấy anh ngoái lại, đôi mắt như đọng những giọt mưa rừng. Kiều Duy Khánh sống hồn nhiên, chân thật, dễ xúc động, sẻ chia và đồng cảm để rồi đêm về dưới ánh đèn anh lại viết những trang văn thao thiết trong lòng người đọc. Cứ đi và viết Khánh nhé, đường văn rong ruổi.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/kieu-duy-khanh-duong-van-rong-ruoi-i732790/