Kiến trúc, nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng

Hội thảo khoa học '100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng' đã cho thấy sự phát triển của kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng tại Việt Nam không phải là một đường tuyến tính lúc nào cũng song hành với những kế thừa và cung cấp cái nhìn cận cảnh về những thay đổi trong tư duy đào tạo và hành nghề.

Hội thảo khoa học “100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng” được tổ chức bởi Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Hà Nội hôm 26.12.

Hội thảo khoa học “100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng” được tổ chức bởi Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Hà Nội hôm 26.12.

Cái nôi đào tạo kiến trúc sư và nhà thiết kế chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam

Sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l'Indochine) trực thuộc Viện Đại học Đông Dương năm 1924, không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục về nghệ thuật trên nền tảng một số trường đào tạo nghề về trang trí, mỹ thuật đã tồn tại trong xã hội thuộc địa ở Đông Dương, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của Kiến trúc Đông Dương – một phong cách độc đáo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và giá trị bản địa.

Đồng thời, Trường Mỹ thuật Đông Dương với tư cách là một bộ phận của Đại học Đông Dương đã trở thành cái nôi hình thành nên thế hệ những kiến trúc sư và nhà thiết kế chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.

KTS Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu khái quát về lịch sử đào tạo kiến trúc sư ở Việt Nam.

KTS Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu khái quát về lịch sử đào tạo kiến trúc sư ở Việt Nam.

Tại hội thảo, ThS-KTS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM) đã giới thiệu sơ lược việc đào tạo kiến trúc sư ở Việt Nam qua các giai đoạn từ thời Pháp thuộc, trải qua cuộc Chiến tranh Đông Dương cho đến thời kỳ sau Hiệp định Genève 1954.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến các di sản nổi bật của thế hệ kiến trúc sư Việt Nam tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, hoặc từng học trường này và tốt nghiệp sau 1945 tại các ngôi trường khác như Đà Lạt, Sài Gòn, Paris qua các giai đoạn lịch sử.

Qua đó nhằm khẳng định những kiến thức về kiến trúc được giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã mở ra chân trời mới cho hoạt động sáng tạo của những con người mong muốn tạo dựng những kiến trúc trên đất nước mình và có nhiều cống hiến không thể phủ nhận trong sự phát triển của đất nước.

Thực hành và đào tạo kiến trúc từ cơ sở liên ngành

Trong bối cảnh hiện đại, khi các giá trị di sản và nhu cầu phát triển bền vững đang trở thành ưu tiên, việc nhìn lại mô hình giáo dục của Khoa Kiến trúc trường Mỹ thuật Đông Dương mang đến nhiều chỉ báo quý giá.

ThS-NCS Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng Khoa Kiến trúc của trường Mỹ thuật Đông Dương, với tư duy giáo dục mang tính khoa học đa ngành và nghệ thuật đã đào tạo nên nhiều kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị xuất sắc, đồng thời tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị. Bên cạnh đó, trường còn nhận được sự tham gia hợp tác chặt chẽ cũng như giảng dạy của các kiến trúc sư hàng đầu Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) như Charles Batteur.

Việc hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa trường Mỹ thuật Đông Dương và EFEO đã cho thấy những lĩnh vực khoa học đa ngành đã được bổ trợ lẫn nhau trong việc bảo tồn các di sản kiến trúc Hà Nội và phong cách kiến trúc Đông Dương. Mặt khác, chương trình đào tạo tại Khoa Kiến trúc cũng gợi mở những giá trị có thể kế thừa để phát triển kiến trúc bền vững cũng như đào tạo về kiến trúc ngày nay.

Theo ThS-KTS Vũ Hoàng Sơn (VUUV), tư duy sáng tạo liên ngành đã được phổ cập rộng rãi và đưa vào giáo dục nghệ thuật với mục đích tạo ra các sản phẩm ứng dụng cho đời sống đã hơn 100 năm qua.

KTS Vũ Hoàng Sơn trình bày về thực hành kiến trúc đương đại nhìn từ góc độ tư duy liên ngành.

KTS Vũ Hoàng Sơn trình bày về thực hành kiến trúc đương đại nhìn từ góc độ tư duy liên ngành.

Bằng việc phân tích phương pháp giảng dạy của một số ngôi trường có xu hướng đào tạo này như Bauhaus của Đức, trường Vkhutemas của Liên bang Nga, trường Mỹ thuật Đông Dương trong thời thuộc địa ở Việt Nam, KTS Vũ Hoàng Sơn cho rằng công việc sáng tạo phải có mối tương quan chặt chẽ với bối cảnh thời đại.

Điều quan trọng là chúng trả lời kịp thời các vấn đề của bối cảnh thời đại liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp, và sản sinh ra các nghệ sĩ, các nhà thiết kế có tư duy khai phóng và tinh thần tiên phong.

KTS Vũ Hoàng Sơn nhấn mạnh, muốn nắm bắt xu thế phát triển xã hội trong khoảng 10 năm gần đây, với khả năng hoạt động sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, cũng như khả năng làm việc nhóm để có thể tương tác linh hoạt với những nhà sáng tạo thuộc các ngành nghề khác, người thực hành kiến trúc đương đại cần có góc nhìn của tư duy liên ngành.

Cùng với nghệ thuật và thiết kế nói chung, kiến trúc là một ngành học mới vừa được đưa vào giảng dạy tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

TS-KTS Lê Phước Anh giới thiệu về chương trình đào tạo kiến trúc sư tại Đại học Quốc gia Hà Nội theo hướng liên ngành và khai phóng.

TS-KTS Lê Phước Anh giới thiệu về chương trình đào tạo kiến trúc sư tại Đại học Quốc gia Hà Nội theo hướng liên ngành và khai phóng.

Khẳng định tầm quan trọng của tính liên ngành và khai phóng trong đào tạo kiến trúc sư, TS-KTS Lê Phước Anh, Trưởng Khoa Kiến trúc, Đô thị và Khoa học bền vững (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) cho rằng, việc đưa kiến trúc vào giảng dạy tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cùng với nghệ thuật và thiết kế nói chung không chỉ điền nốt một lĩnh vực quan trọng còn thiếu, mà còn đáp ứng những nhiệm vụ riêng để xứng với tầm vóc và uy tín của cơ sở đào tạo, những đòi hỏi từ bối cảnh kinh tế và văn hóa xã hội, cũng như những thách thức của một kỷ nguyên mà AI sẽ ngày càng chi phối.

“Trong hoàn cảnh này, các kiến trúc sư tương lai hơn bao giờ hết sẽ cần đến một tư duy làm việc có tính liên ngành và một môi trường giáo dục đề cao tinh thần khai phóng, những nền tảng vốn được thiết lập từ thời trường Mỹ thuật Đông Dương mà giờ đây vẫn còn vẹn nguyên giá trị”, KTS Lê Phước Anh chia sẻ.

Tính dân tộc trong thiết kế nội thất

Các tham luận tại Hội thảo ngoài việc mang đến thông tin chi tiết về những chủ đề liên quan đến kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng còn cung cấp cái nhìn cận cảnh về những thay đổi trong tư duy đào tạo và hành nghề. Góp phần giúp hiểu thêm về những quan điểm đã được nêu cách đây 100 năm nhưng vẫn giữ nguyên tính thời sự đáng ngạc nhiên khi đặt chúng trong bối cảnh ngày hôm nay.

Phân tích quan điểm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc về tính dân tộc trong thiết kế nội thất, họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ đã gợi mở câu hỏi về “lối sống của dân tộc ta hiện nay”, như là cơ sở xã hội học để tìm ra “tính dân tộc trong thiết kế nội thất đương đại”.

Đối với họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, nếu thiết kế nội thất cho người Việt Nam thì nó phải rất Việt Nam. Những hình thức, hoa văn chỉ là dấu vết của từng thời kỳ, nó phụ thuộc vào công nghệ của thời kỳ đó với những chế tác hình thức.

Họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ quan niệm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc về tính dân tộc trong thiết kế nội thất.

Họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ quan niệm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc về tính dân tộc trong thiết kế nội thất.

Họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ: “Qua các thời đại, mỗi lúc đồ dùng được cải tiến, thì lề lối chế biến cũng tiến bộ hơn, hình dáng đồ đạc cũng thay đổi theo. Chõng tre hòm gian, sập gụ tủ chè, chỉ là nét của từng thời đại. Nét chính của dân tộc là lối sống giản đơn, tiện ngồi tiện nằm, sẵn tay dễ lấy.

Chỉ cần chúng ta có ý thức giữ gì bỏ gì, khéo thu xếp, có nhiệt tình với cuộc sống mới, thì bình cũ rượu mới càng ngon. Nhưng thách thức hiện nay là nét chính của dân tộc có còn là lối sống giản đơn, tiện ngồi tiện nằm, sẵn tay dễ lấy nữa hay không?”

Nghề kiến trúc và thiết kế nội thất là tạo dựng không gian sống cho con người, họa sĩ Trịnh Lữ cũng cho rằng, để làm tốt công việc kiến trúc và thiết kế nội thất ở Việt Nam đòi hỏi sự hiểu biết và mẫn cảm sâu sắc đối với bản chất của người Việt Nam, phải biết được họ thích sống nếp sống như thế nào trong thời đại này.

Từ đó đặt ra yêu cầu đòi hỏi mỗi cá nhân theo ngành phải có ý thức, xác định được mục đích muốn đóng góp gì cho xã hội bằng nghề nghiệp của mình.

Hội thảo đã tôn vinh những giá trị và đóng góp to lớn của trường Mỹ thuật Đông Dương trong tiến trình phát triển lịch sử sáng tạo và giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam.

Hội thảo đã tôn vinh những giá trị và đóng góp to lớn của trường Mỹ thuật Đông Dương trong tiến trình phát triển lịch sử sáng tạo và giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam.

Hội thảo khoa học “100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng” cũng đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của tính liên ngành và khai phóng trong giáo dục và sáng tạo nghệ thuật bao gồm lịch sử hình thành, di sản được trao truyền, đời sống trong xã hội hiện đại cho đến sự thể hiện trong từng lĩnh vực cụ thể như kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật đương đại và giáo dục công nghiệp văn hóa – sáng tạo.

Khai phóng và liên ngành trong quá trình phát triển suốt một thế kỷ cũng như đời sống sinh động của nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề đa dạng và phong phú. Hội thảo được kỳ vọng sẽ là điểm khởi đầu cho những nghiên cứu sâu rộng hơn, những dự án hợp tác mới và những bước tiến vững chắc trong việc tiếp nối di sản quý giá của trường Mỹ thuật Đông Dương nói riêng, và nền nghệ thuật Đông Dương nói chung, hướng đến một tương lai nghệ thuật Việt Nam phát triển bền vững.

Bài: Hoàng Minh - Ảnh: BTC

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kien-truc-nghe-thuat-ung-dung-o-viet-nam-tu-goc-nhin-lien-nganh-va-khai-phong-46647.html