Kiến tạo nguồn sức mạnh để đột phá công nghệ

Trong thời gian qua ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong công cuộc chuyển đổi số, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).

CEO Microsoft Satya Nadella công bố sáng kiến mới tại Indonesia. Ảnh: Microsoft

CEO Microsoft Satya Nadella công bố sáng kiến mới tại Indonesia. Ảnh: Microsoft

Nhiều kỳ vọng của Microsoft ở Đông Nam Á

Những bước chuyển mình của ASEAN trong lĩnh vực chuyển đổi số trong thời gian gần đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Trong đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới cũng đã thể hiện mong muốn được đồng hành cùng ASEAN.

Ông Satya Nadella - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Microsoft (có trụ sở tại Mỹ) vừa công du ba nước ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Chuyến công du được thực hiện để công bố một loạt khoản đầu tư vào các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, AI và dịch vụ lữu trữ đám mây. Chia sẻ với truyền thông quốc tế, người đứng đầu Microsoft bày tỏ, trong 4 năm tới, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD để hỗ trợ Malaysia chuyển đổi kỹ thuật số. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử 32 năm của Microsoft và sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng AI, điện toán đám mây ở Malaysia, tạo nên một trung tâm giúp đào tạo AI cho người Malaysia.

Sau sự kiện này, nhiều luồng dư luận đặt câu hỏi xoay quanh việc vì sao Microsoft lại “dốc lực” vào quốc gia này. Trong một chia sẻ trên truyền thông đại chúng, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho hay, khoản đầu tư của Microsoft là minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin đối với nền tảng kinh tế vững chắc, chỉ thị chính sách rõ ràng cùng với ổn định chính trị và thân thiện với các nhà đầu tư của Malaysia.

Cũng theo ông Ibrahim, Malaysia có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động lành nghề. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ cùng nhiều nguồn đầu tư thúc đẩy công nghệ, Malaysia đang nỗ lực trở thành trung tâm công nghệ năng động của khu vực Đông Nam Á.

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê từ cơ quan chức năng của Malaysia cho biết, năm 2022, quốc gia này tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 thập kỷ, vượt xa nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Quốc gia này coi kinh tế số là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng nhất, trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển ổn định, trở thành ngành đóng góp lớn thứ ba vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Trong một nghiên cứu mới được công bố của Công ty tư vấn toàn cầu Kearney, AI được kỳ vọng sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD vào GDP của Đông Nam Á vào năm 2030, trong đó, Malaysia được dự đoán sẽ đóng góp hơn một phần mười.

Còn theo Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Abdul Aziz, việc Microsoft phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI thiết yếu, cùng với các cơ hội cải thiện kỹ năng về AI sẽ nâng cao đáng kể năng lực kỹ thuật số của Malaysia.

Theo CEO của Microsoft, Malaysia có hơn 600.000 nhà phát triển và số người dùng nền tảng phát triển phần mềm GitHub tăng trưởng 20% mỗi năm. Năm 2018, Microsoft mua lại nền tảng này với giá 7,5 tỷ USD. Microsoft hoạt động tại Malaysia từ năm 1992 và hiện có hơn 200 nhân viên tại Thủ đô Kuala Lumpur và bang Penang.

Định hình nền móng phát triển cho tương lai

Bình luận từ giới chuyên gia, Malaysia không phải là “điểm đến” hấp dẫn duy nhất của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

CEO Microsoft Satya Nadella (bên trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong một sự kiện về AI diễn ra tại Malaysia. Ảnh: Chính phủ Malaysia

CEO Microsoft Satya Nadella (bên trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong một sự kiện về AI diễn ra tại Malaysia. Ảnh: Chính phủ Malaysia

Trên thực tế, bên cạnh Malaysia, Microsoft cũng công bố sẽ “rót” 1,7 tỷ USD vào Indonesia trong 4 năm tới để xây dựng hạ tầng AI và đám mây, đồng thời đào tạo kỹ năng cho hơn 840.000 người dân và hỗ trợ các nhà phát triển địa phương. CEO Microsoft Satya Nadella khẳng định, thế hệ AI mới sẽ tái định hình cách mọi người sống và làm việc ở khắp nơi, trong đó có Indonesia.

Trong chuyến thăm Indonesia, người đứng đầu Microsoft đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong đó, hai bên bàn về các vấn đề như đột phá công nghệ và AI.

Theo Tầm nhìn Indonesia vàng vào năm 2045, Indonesia muốn trở thành một nước phát triển và là cường quốc kinh tế vào năm 2045. Indonesia sở hữu dân số trẻ, thành thạo công nghệ với thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) chiếm gần 28% dân số, tương đương 74,49 triệu người.

Còn tại Thái Lan, CEO Microsoft cho biết, tập đoàn hàng đầu thế giới này cam kết quan trọng trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu khu vực mới trong nước cùng các sáng kiến khác. Theo đó, Microsoft cam kết đào tạo kỹ năng AI cho hơn 100.000 người Thái Lan và hỗ trợ các nhà phát triển địa phương.

Tuy Microsoft không tiết lộ sẽ “rót” bao nhiêu vốn vào quốc gia này, song CEO Nadella nhận định, Thái Lan có cơ hội đặc biệt lớn để xây dựng tương lai dựa trên AI, ưu tiên kỹ thuật số. Đồng thời, khoản đầu tư của Microsoft sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực công tư của nước này.

Theo bình luận của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, động thái của Microsoft là cột mốc quan trọng trong hành trình thực hiện tầm nhìn “Thắp lửa Thái Lan" (Ignite Thailand), cam kết mang đến các cơ hội mới cho tăng trưởng, đổi mới và thịnh vượng cho mọi người dân.

Bình luận của giới chuyên gia ASEAN, các thương vụ bạc tỷ là một phần trong cam kết trang bị kỹ năng AI cho 2,5 triệu người tại các quốc gia thành viên của ASEAN vào năm 2025 của Microsoft, vừa được công bố vào cuối tháng 4 vừa qua. Các cam kết của Microsoft phù hợp với Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 nhằm xây dựng nguồn nhân tài AI trong khu vực, tập trung vào các nội dung: xây dựng lực lượng lao động toàn diện, sẵn sàng cho kỷ nguyên AI; thu hẹp khoảng cách tài năng an ninh mạng; nâng cao kỹ năng AI của nhà phát triển...

Ở tầm nhìn xa, Microsoft đã cam kết trang bị cho 1 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tại Philippines các kỹ năng về AI và an ninh mạng, bảo đảm các em có thể sẵn sàng cho công việc trong tương lai. Microsoft sẽ tăng cường hợp tác với Cơ quan Phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật (TESDA) khi đầu tư trang bị cho 100.000 nữ sinh viên TESDA các kỹ năng về AI và an ninh mạng. Cùng với đó, Microsoft cũng đặt mục tiêu mở rộng quan hệ đối tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc châu Á-Thái Bình Dương ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam, giúp 570.000 thanh thiếu niên ở các cộng đồng yếu thế có thêm cơ hội việc làm và sẵn sàng làm việc thông qua khả năng tiếp cận AI.

Theo giới chuyên gia, các quốc gia thành viên ASEAN đang ngày càng thể hiện sâu sắc nỗ lực đầu tư vào các sáng kiến và chương trình đào tạo nguồn nhân lực số. Năm nay cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự chuyển mình vượt bậc của nhiều quốc gia trong khu vực, hướng tới trở thành cộng đồng ASEAN số.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-tao-nguon-suc-manh-de-dot-pha-cong-nghe-post476255.html