Kiên Giang: Giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2023

Kiên Giang hiện có 03 Liên hiệp HTX với 35 HTX thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng; 459 HTX với 32.587 thành viên, tổng số vốn điều lệ 148.508 triệu đồng, diện tích sản xuất 56.994 ha. Qua đánh giá phân loại HTX 2022 có 183 HTX hoạt động khá, tốt, chiếm 40,94%; 137 HTX hoạt động trung bình, chiếm 30,65%; 40 HTX hoạt động yếu, chiếm 8,95%.

Ông Huỳnh Thanh Liêm, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang (ảnh trên), nêu rõ: Để phát triển sản phẩm cho HTX, trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX, vai trò, vị trí của HTX, các điển hình tiên tiến, mô hình HTX mới đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và người lao động, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo tham gia xây dựng phát triển kinh tế tập thể, nồng cốt là HTX. Thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX phù hợp với bản chất, nhu cầu, trình độ phát triển của HTX và phù hợp với khả năng nguồn lực của nhà nước; tập trung hỗ trợ xây dựng thí điểm một số chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực để từ đó nhân rộng.

Cùng với đó, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan có liên quan từ tỉnh đến cơ sở để theo dõi, giám sát, hỗ trợ phát triển HTX. Tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với sinh kế người dân ở từng vùng, từng điều kiện, từng nguồn lực. Vận động các HTX tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” nhằm sản xuất theo hướng lúa chất lượng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển HTX; khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX, đổi mới công nghệ; thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất HTX, liên kết. Hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, ông Huỳnh Thanh Liêm, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thông tin.

Tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh của HTX nông nghiệp huyện Giồng Riềng

thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Khu vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh Kiên Giang có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Các sản phẩm chủ lực của HTX chủ yếu là lúa, tôm, thời gian qua đã được hỗ trợ liên kết tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Có 219 HTX nông nghiệp trồng lúa hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Trung An Kiên Giang; Tập đoàn Lộc Trời; Công ty Nông Việt Pháp; Công ty Vạn Trường Phát,... với tổng diện tích 37.273 ha. Sản xuất lúa đạt chuẩn chứng nhận (SRP, Hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP), kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ.

Đặc biệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu Tứ giác Long Xuyên, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kiên Giang; Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT, ngày 25/3/2022. Mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung sản phẩm lúa, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững tại 3 huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành với quy mô 123.000 ha và 12 HTX nông nghiệp tham gia; Trung tâm logistic lúa-tôm hữu cơ (huyện An Minh) khoảng 6000 ha.

Các HTX đã chủ động đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) để quảng bá, giới thiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho các thành viên HTX. Kết quả đến nay, có 21 HTX đã đăng ký tham gia chương trình, trong đó có 37 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên (4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 33 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao).

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-giai-phap-phat-trien-san-pham-nong-nghiep-cho-hop-tac-xa-a21651.html