Kiểm toán đầu tư công, chỉ rõ bất cập 'vốn chờ dự án'

Theo KTNN, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, còn tình trạng 'vốn chờ dự án', nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện giao vốn hằng năm nhưng các bộ ngành và địa phương vẫn đề xuất bố trí vốn

Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN), thời quan qua, cơ quan này đã thực hiện 53 cuộc kiểm toán hoạt động về đầu tư công. Các cuộc kiểm toán tập trung vào những vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm như kiểm toán các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, kiểm toán việc lập, sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020...

KTNN tăng cường kiểm toán hoạt động đầu tư công (Ảnh minh họa). Ảnh: Hữu Hưng

KTNN tăng cường kiểm toán hoạt động đầu tư công (Ảnh minh họa). Ảnh: Hữu Hưng

KTNN cho biết qua kiểm toán, đã chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Trước hết, chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế nên khi thực hiện dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến công tác kế hoạch vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Qua kiểm toán cho thấy hầu hết các dự án được kiểm toán đều phải điều chỉnh quy mô, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ xảy ra phổ biến ở nhiều dự án và có xu hướng gia tăng so với các năm trước. "Việc chậm tiến độ các công trình, dự án đã làm tăng chi phí và giảm hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án hạ tầng quan trọng"- KTNN cho hay.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán của các đơn vị được kiểm toán hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu nên phải thay đổi, bổ sung thiết kế, điều chỉnh dự toán và tổng mức đầu tư. Đáng chú ý, công tác thẩm định thiết kế dự toán ở hầu hết dự án được kiểm toán cho thấy còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện và loại bỏ hết các sai sót, bất hợp lý về đơn giá, định mức.

KTNN cũng chỉ ra công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, còn tình trạng "vốn chờ dự án", nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện giao vốn hằng năm nhưng các bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất bố trí vốn dẫn đến không phân bổ hết số vốn được giao.

Cùng với đó là tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, bố trí vốn chưa đúng tiêu chi, chưa ưu tiên cho những dự án cấp bách, quan trọng, dự án có khối lượng lớn vẫn còn diễn ra tại một số bộ, ngành, địa phương.

Theo KTNN, thông qua các kiến nghị, đặc biệt là các kiến nghị về công tác triển khai dự án ở cấp cơ sở, sửa đổi một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quản lý đầu tư công hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chính vì vậy, trong đầu tư công giai đoạn gần đây, theo KTNN, đã khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo KTNN, từ khắc phục đầu tư dàn trải, ngân sách Trung ương đã dồn lực vào các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án liên vùng, dự án trọng điểm, tạo ra động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. "Tổng số dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 đã giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020"- KTNN cho hay.

Cũng theo KTNN, từ các vướng mắc mà cơ quan kiểm toán chỉ ra, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rà soát, xác định được 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công, từ đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kiem-toan-dau-tu-cong-chi-ro-bat-cap-von-cho-du-an-196240526145225307.htm