Kiếm tiền chân chính, phát triển bản thân

Nguyễn Đinh Khoa cho biết kiến trúc sư và nhà văn “nghe có vẻ rất khác biệt nhau” nhưng anh hàm ơn cả 2 lĩnh vực này vì chúng bổ sung cho nhau rất nhiều. Tác giả lý giải với Đồng Nai cuối tuần:

Đinh Khoa viết sách ủng hộ người trẻ “suy nghĩ tích cực, kiên trì học hỏi”

Đinh Khoa viết sách ủng hộ người trẻ “suy nghĩ tích cực, kiên trì học hỏi”

“Ví dụ như tôi mang những cái hay cái đẹp của kiến trúc vào văn học ở tác phẩm đầu tay Độc hành khiến cho câu chuyện của mình có chất nghệ thuật hơn, thú vị hơn. Khi viết, tôi thích đào sâu vào tâm lý nhân vật, nhìn vào những ngóc ngách tâm tư của họ. Giống khi khi thiết kế một công trình, chúng tôi cũng nghiên cứu về nhu cầu, tính năng của khách hàng cũng như các điều kiện thổ nhưỡng vậy. Tôi nghĩ vì mình luôn tìm thấy được niềm vui trong những việc mình làm, nên cứ tiếp tục vui với nghề xây dựng lẫn viết lách thôi” (cười).

* Con kiến xây chứa nhiều chuyện về nghề xây dựng nhưng mang tính phổ quát cho độc giả nói chung?

- Tôi lựa chọn những câu chuyện mà bất cứ ai bước chân vào môi trường công sở cũng có thể cảm nhận được, từ câu chuyện của một sinh viên khi mới chập chững bước vào công ty đầu tiên sau khi tốt nghiệp, cho đến khi có thể đứng tên mình trên một dự án lớn. Đó là quá trình trưởng thành mà bất cứ ai ở ngành nghề nào cũng trải qua.

Tôi mong sao độc giả khi đọc Con kiến xây sẽ tìm thấy được niềm vui trong công việc, trong cuộc sống, tiến bước vững vàng trên con đường mình lựa chọn.

* Đâu là kinh nghiệm bạn tâm đắc nhất nơi môi trường công sở?

- Trong bài chủ đề “Con kiến xây” và “Làm sếp khó lắm”, tôi có chia sẻ kinh nghiệm thực tế và điều tôi học được rằng teamwork (làm việc nhóm) là cực kỳ quan trọng. Đó là khi mà tất cả các thành viên trong nhóm đều đặt mục đích chung lên trên hết, gạt bỏ cái tôi của mình sang một bên, cùng nhau góp sức. Tôi cũng học được rằng, thành công là của tập thể, trong đó, sự đóng góp của mỗi cá nhân sẽ làm nên thành công chung.

Tôi cũng tin vào những đồng tiền chân chính được tạo ra từ thành quả lao động và khao khát sáng tạo. Đồng tiền có những giá trị lớn lao nếu được dành để giúp đỡ xã hội bằng trái tim trong sáng nhiệt thành, mang đến điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng và những người xung quanh. Khi đó, đồng tiền có “đủ” ý nghĩa của nó, là thứ giá trị để phát triển bản thân mỗi chúng ta.

* Xin cảm ơn Khoa!

C.Đ (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202303/kiem-tien-chan-chinh-phat-trien-ban-than-3161310/