Kiểm soát sản xuất rượu thủ công là vấn đề cấp bách

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được thảo luận tại Quốc hội là vấn đề quản lý rượu thủ công. Theo đó, dự kiến đến ngày 1/1/2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp, định hướng giảm dần sản xuất, kinh doanh loại rượu này.

Quy định rất chung chung

Theo đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang), vấn đề sản xuất mua bán rượu thủ công đã tồn tại từ rất lâu ở nước ta, người tiêu dùng phần lớn sử dụng loại rượu này là chủ yếu. Việc quản lý đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công hiện nay chưa chặt chẽ, chất lượng về an toàn thực phẩm của loại rượu này đang là vấn đề đáng lo ngại. Không hiếm nơi xảy ra ngộ độc do sử dụng rượu thủ công và đã có nơi xảy ra hậu quả liên quan đến tính mạng con người.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) phát biểu tại Quốc hội

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã có những quy định về quản lý rượu thủ công, đó là sự cần thiết. Tuy nhiên, quy định như thế nào để có thể thực hiện được là điều không dễ. Cụ thể, tại Điều 15 dự thảo quy định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã. “Nếu như vậy, diện quản lý còn rất hạn hẹp vì số cơ sở này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với phần lớn những cá nhân hộ gia đình nấu rượu để bán cho những người xung quanh và tình trạng ngộ độc do rượu gây ra thời gian vừa qua chủ yếu cũng từ đây mà ra. Vì vậy quy định này cần được nghiên cứu lại”- đại biểu Hà Thị Lan băn khoăn.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 15 dự thảo quy định sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. “Đây là quy định rất chung chung. Làm sao có thể thực hiện được nếu chỉ bằng một quy định như vậy nếu không có viện dẫn tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm? Yêu cầu về an toàn thực phẩm là căn cứ vào đâu? Theo luật nào? Đề nghị cần xem lại và thiết kế sao cho phù hợp”, đại biểu Hà Thị Lan lưu ý.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) cho rằng, mặc dù đã có Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 105 năm 2017 về quản lý, sản xuất, kinh doanh rượu nhưng trong thời gian qua tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu chứa methanol vẫn còn nhiều, diễn biến vẫn còn phức tạp, thậm chí có nhiều vụ gây chết người. Nguyên nhân là uống rượu không rõ nguồn gốc.

Vị đại biểu này chỉ ra, hiện số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ, giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở hoạt động, chỉ khoảng 15% so với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ. Như vậy, số lượng cơ sở sản xuất hộ gia đình không đăng ký sản xuất rượu nhưng vẫn bán ra thị trường mà chưa xin cấp phép kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm không phải là ít.

Vấn đề đặt ra là quản lý sản xuất, tiêu thụ rượu thủ công, chế tài xử phạt như thế nào thì Dự thảo luật chưa quan tâm đúng mức. Cần có quy định đầy đủ, rõ ràng để điều chỉnh vì thực tiễn cho thấy rượu thủ công chiếm tỷ lệ lớn và có tới 74% người sử dụng loại rượu này, chất lượng không đảm bảo, nguy cơ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thu ngân sách”, đại biểu Nguyễn Thị Thảo dẫn chứng.

Tập trung siết chặt rượu thủ công

Đại biểu Nguyễn Thị Thảo cho rằng, việc kiểm soát sản xuất rượu thủ công là vấn đề cấp bách, cần làm ngay và thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng rượu và nói không với rượu thủ công không rõ nguồn gốc thì đòi hỏi phải có mô hình quản lý mới hiệu quả hơn. Ví dụ, các huyện, thành thị, thậm chí từng xã, phường phải nắm bắt được tình hình nấu rượu ở địa phương mình, sớm chủ động đứng ra xây dựng thương hiệu rượu thủ công ở địa phương với quy trình sản xuất an toàn và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Như vậy sẽ thắt chặt được quản lý, sản xuất rượu ngay từ cơ sở”, đại biểu Thảo góp ý.

Trên cơ sử đó, cần quản lý chặt chẽ rượu thủ công qua việc quy định biện pháp tăng cường quản lý bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công. Tiếp tục duy trì cấp phép sản xuất đối với rượu thủ công vì mục đích kinh doanh và định hướng giảm dần tốc độ tăng sản xuất và kinh doanh rượu thủ công. Đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi, đơn giản hóa về thủ tục hành chính, nhằm tiến tới đạt được mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu làng nghề truyền thống. Sản phẩm đạt chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa các tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe, nhất là rượu thủ công không rõ nguồn gốc và xuất xứ.

Điều 16 dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia quy định các biện pháp quản lý toàn diện đối với sản xuất rượu thủ công, theo hướng giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh phải tổ chức rà soát, thống kê số lượng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công; sản lượng sản xuất, kiểm tra chất lượng rượu thủ công trong toàn tỉnh, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo Chính phủ trước ngày 1/1/2023; vận động người dân tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, không bán rượu không có giấy phép sản xuất ra thị trường; vận động, tuyên truyền để người dân, hộ gia đình chấm dứt sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Lan Anh- Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-soat-san-xuat-ruou-thu-cong-la-van-de-cap-bach-111924.html