Kiểm định ngưỡng hỗ trợ

Yếu tố liên thị trường không còn hỗ trợ, trong khi áp lực chốt lời gia tăng, khiến VN-Index điều chỉnh, nhưng ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm có thể sẽ nâng đỡ chỉ số.

Thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh

Sau khi lập đỉnh mới, thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm. Tâm điểm trong tuần qua nằm ở việc Nvidia công bố kết quả kinh doanh và báo cáo cho thấy lợi nhuận quý I/2024 vượt trội so với dự đoán của giới phân tích, đồng thời doanh nghiệp đưa ra dự báo tích cực hơn và thông báo kế hoạch chia cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1, sẽ được áp dụng từ ngày 7/6 tới. Ngay sau đó, giá cổ phiếu của công ty công nghệ lớn này ghi nhận tăng 9,3%, lên mức cao kỷ lục hơn 1.000 USD/cổ phiếu.

Mặc dù báo cáo thu nhập khả quan của Nvidia mang lại hy vọng cho thị trường, nhưng chỉ số PMI dịch vụ và sản xuất tháng 5/2024 theo khảo sát nhà quản lý mua hàng từ S&P Global cao hơn dự kiến, làm dấy lên mối lo ngại rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không cắt giảm lãi suất như mong đợi. Kết hợp với biên bản cuộc họp FOMC - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - được công bố trong tuần cho thấy, lãi suất cao kéo dài vẫn là mối quan tâm hàng đầu, các thành viên FOMC chưa hết lo ngại về chỉ số lạm phát nóng hơn dự kiến trong quý đầu năm nay, dù dữ liệu gần đây cho thấy xu hướng lạm phát tốt hơn, cùng với đó là sự hạ nhiệt đáng kể của thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng. Theo đó, thị trường đã điều chỉnh kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed từ 2 lần xuống 1 lần trong năm 2024, có thể là vào tháng 9.

Sự không chắc chắn xung quanh chính sách trong tương lai của Fed và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 có thể là chất xúc tác cho các biến động thị trường trong những tháng tới. Nhưng sự kết hợp giữa lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục mạnh và nền kinh tế tiếp tục mở rộng với tiềm năng lãi suất thấp hơn vào cuối năm sẽ mang lại bối cảnh tích cực cho thị trường trong trung và dài hạn.

Diễn biến tại thị trường châu Á cũng cho thấy một trạng thái thận trọng của nhiều nhà đầu tư sau diễn biến rung lắc tại vùng đỉnh của thị trường Mỹ. Trong đó, chỉ số Thượng Hải ghi nhận giảm điểm và chuyển động sang vùng suy yếu trên đồ thị vận động các loại tài sản. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ trong tuần, sau thông báo về CPI tháng 4/2024. Lạm phát ghi nhận giảm tháng thứ 2 khi các nhà đầu tư tiếp tục cân nhắc liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có khả năng tăng lãi suất thêm trong năm nay hay không. Lạm phát cơ bản của Nhật Bản - loại bỏ thực phẩm tươi sống và năng lượng - giảm xuống 2,2% từ mức 2,6% trong tháng 3, phù hợp với kỳ vọng. Lạm phát toàn phần giảm xuống 2,5%, từ mức 2,7% của tháng 3.

Thị trường dầu thô trong tuần qua ghi nhận trượt dốc khi tâm lý đầu tư trở nên suy yếu. Giá dầu West Texas giảm xuống dưới 77 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2/2024. Giá dầu thô đã theo sát các thị trường tài chính trong bối cảnh triển vọng không rõ ràng về các nguyên tắc cơ bản của hàng hóa. Một báo cáo hôm thứ Tư cho thấy, tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng ở Cushing, Oklahoma, Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua, trong khi nhu cầu xăng của nước này cải thiện nhẹ trước kỳ nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm.

Giá dầu thô đã giảm khoảng 12% so với mức đỉnh năm nay - ngay cả khi nhu cầu toàn cầu hướng tới kỷ lục mới hàng năm - do nguồn cung dồi dào từ châu Mỹ, triển vọng kinh tế mong manh ở Trung Quốc và sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ của Mỹ.

VN-Index: Rung lắc mạnh

Sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index hạ nhiệt trong tuần qua, có diễn biến rung lắc rồi giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Lý giải cho vận động rung lắc của thị trường có thể do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư xuất hiện trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất trên kênh thị trường mở (OMO), từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm, nhằm giảm áp lực tỷ giá liên tục duy trì ở mức cao.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn kỹ thuật, diễn biến rung lắc xuất hiện trong các phiên giao dịch xảy ra khi chỉ số chung ngày càng tiến gần hơn tới vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.300 điểm. Đây là vận động bình thường, giúp chỉ số cho một khoảng nghỉ, củng cố nền giá mới và tích lũy cho các vị thế mới có thể tham gia, thay vì chấp nhận rủi ro để mua đuổi.

Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn và quan trọng của VN-Index hiện tại là 1.250 điểm. Thị trường sẽ tránh khỏi áp lực bán tháo và rời bỏ thị trường, nếu ngưỡng hỗ trợ này vững vàng trong các phiên giao dịch tới. Nhìn chung, dù rung lắc mạnh trong tuần qua, nhưng xu hướng tăng ngắn hạn được duy trì.

Trong kịch bản tích cực, VN-Index kiểm định thành công ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.250 điểm, thì xu hướng tăng nhiều khả năng sẽ quay trở lại, với ngưỡng mục tiêu 1.300 điểm. Tại đây, nơi xảy ra nhiều lần tạo đỉnh trong quá khứ như tháng 6 và 8/2022, hay vùng đỉnh tháng 8 và 9/2023. Gần đây nhất, VN-Index thất bại quanh ngưỡng 1.300 điểm và quay đầu điều chỉnh trong tháng 4/2024. Do vậy, 1.300 điểm là ngưỡng kháng cự chính, mục tiêu quan trọng mà chỉ số cần vượt qua để có thể mở rộng đường đi lên, hướng tới các mục tiêu mới, rộng hơn, cao hơn.

Các chỉ báo định lượng ghi nhận hạ nhiệt sau những phiên rung lắc vừa qua, với chỉ báo đường đà lan tỏa đang trong quá trình “test” lại MA10. Tuy vậy, chỉ báo xác suất đầu tư ngắn hạn ghi nhận ở mức cao, sức mua gia tăng đã nâng đỡ thị trường, đặc biệt trong các nhịp điều chỉnh và tại các vùng hỗ trợ mạnh. Theo đó, dù chỉ báo định lượng hạ nhiệt nhưng các chỉ báo cũng cho thấy chưa có dấu hiệu bán tháo hay hoảng loạn trong tâm lý thị trường, nên sóng tăng ngắn hạn có xác suất cao được duy trì.

Nếu xâu chuỗi liền mạch 5 tuần giao dịch gần nhất, có thể thấy tuần điều chỉnh vừa qua là phù hợp và cần thiết, giúp thị trường có quãng nghỉ, cổ phiếu có điều kiện xác nhận lại các vùng hỗ trợ mạnh và nhà đầu tư có cơ hội để chọn lựa cổ phiếu tiềm năng ở mức giá chiết khấu.

VN-Index dù rung lắc nhưng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.250 điểm chưa bị vi phạm, nên sự điều chỉnh nằm trong khái niệm “lành mạnh”. Chính vì vậy, chiến lược giao dịch ngắn hạn nên ưu tiên canh các nhịp điều chỉnh để tối ưu vị thế tích lũy cổ phiếu, nhất là nhóm cổ phiếu có động lượng tăng tốt và chưa vi phạm các ngưỡng chặn lỗ ngắn hạn, cũng như ưu tiên phân bổ tỷ trọng cho nhóm cổ phiếu còn nhiều dư địa tăng.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/kiem-dinh-nguong-ho-tro-post345945.html