BIS kêu gọi các ngân hàng trung ương sẵn sàng ứng phó với thách thức từ AI
Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), cơ quan giám sát và thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng trung ương, kêu gọi các thành viên nhanh chóng nỗ lực ứng phó thách thức và nắm bắt cơ hội của trí tuệ nhân tạo (AI).
Báo cáo của BIS, phát hành hôm 25-6, nhấn mạnh, các ngân hàng trung ương cần bắt kịp làn sóng đổi mới từ AI tạo sinh bao gồm các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT của OpenAI.
BIS cho biết, một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã thử nghiệm sử dụng công nghệ này. BIS đánh giá AI có thể “thay đổi cuộc chơi” trong nhiều hoạt động của ngành ngân hàng và có tác động sâu sắc đến các nền kinh tế và hệ thống tài chính rộng lớn hơn.Bằng chứng gần đây cho thấy AI trực tiếp nâng cao năng suất trong các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng nhận thức.
Báo cáo cho biết khi trích dẫn một nghiên cứu của tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group của Trung Quốc cho thấy, các lập trình viên làm việc hiệu quả hơn 55% khi sử dụng LLM để hỗ trợ viết mã lập trình.
Tuy nhiên, BIS dường như ít chắc chắn hơn về tác động của AI đối với lạm phát. Báo cáo của tổ chức này nhận định, AI có thể tạo ra động lực giảm phát bằng cách nâng cao năng suất của người lao nhưng mặt khác cũng có thể thúc đẩy giá cả bằng cách tăng nhu cầu.
Trong khi ghi nhận những lợi ích khi các ngân hàng trung ương khi khai thác AI trong hoạt động, BIS cũng chỉ ra một số rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn các trường hợp AI cung cấp thông tin không chính xác và rủi ro bị xâm nhập mạng.
“AI sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính cũng như năng suất, tiêu dùng, đầu tư và thị trường lao động, từ đó, tác động trực tiếp đến sự ổn định về giá cả và tài chính. Để giải quyết những thách thức mới, các ngân hàng trung ương cần nâng cấp năng lực với tư cách là người quan sát có hiểu biết về tác động của tiến bộ AI cũng như người sử dụng chính công nghệ đó”, báo cáo của BIS viết.
Được đào tạo trên các tập dữ liệu lớn, AI tạo sinh có khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện giống con người và tạo ra nội dung độc đáo. Các công ty trong nhiều lĩnh vực tài chính, bao gồm tài chính đã nắm bắt AI để giành lợi thế cạnh tranh kể từ khi công nghệ này xuất hiện vào năm ngoái. Nhưng các ngân hàng trung ương thận trọng hơn do lo ngại về độ tin cậy, rủi ro pháp lý và tính minh bạch.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu nghiên cứu cách sử dụng AI trong các hoạt động. Dù vậy, các quan chức Fed chưa xem xét sử dụng công nghệ này trong bất kỳ công việc chính sách nào ở giai đoạn này.
Trong năm nay, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sử dụng AI để hỗ trợ và nâng cao năng lực trong các nhiệm vụ như dự đoán tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng tài chính.
Gần đây, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu sử dụng AI để tăng tốc nhiều hoạt động đơn giản, từ soạn thảo nội dung cho các cuộc họp, tóm tắt dữ liệu, viết mã phần mềm và dịch tài liệu.
BIS lưu ý, có những giới hạn về mức độ công nghệ AI có thể thay thế hoạt động con người ở các ngân hàng trung ương. AI có thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi khả năng nhận thức vừa phải, thậm chí phát triển các khả năng nổi bật nhưng vẫn chưa thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi suy luận và phán đoán logic.
Dù vậy, BIS xác định một số lĩnh vực mà các ngân hàng trung ương có thể hưởng lợi từ AI như giúp hệ thống “nowcasting” quét lượng lớn dữ liệu theo thời gian thực nhằm phát hiện sự gia tăng rủi ro tài chính hoặc dự đoán suy thoái. Các ứng dụng khác của AI cũng có thể phát hiện hoạt động rửa tiền hiệu quả.
Tuy nhiên, BIS cảnh báo, AI có những rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn khi các mô hình AI bị hỏng do các cuộc tấn công “đầu độc dữ liệu”. Đây là dạng tấn công mạng trong đó tội phạm cố tình xâm phạm tập dữ liệu huấn luyện mà mô hình AI sử dụng để gây ảnh hưởng hoặc thao túng hoạt động của mô hình đó.
Bên cạnh đó, có thể có rủi ro về ổn định tài chính nếu một số lượng lớn các tổ chức tài chính sử dụng cùng một thuật toán AI. Điều này có thể khuếch đại biến động thị trường bằng cách làm trầm trọng thêm tâm lý bầy đàn, tích trữ thanh khoản, hay bán tháo tài sản.
Theo Financial Times