Kiềm chế các căn

Kiềm chế các căn có nghĩa là đảm bảo rằng chúng hòa hợp với các đối tượng của chúng.

- Luyện tập sự kiềm chế thông qua đôi mắt. Đừng để mắt to hơn vật nhìn, và cũng đừng để vật nhìn to hơn mắt của bạn. Một thí dụ về đôi mắt nhỏ và vật thể to là khi bạn nhìn thấy một thứ gì đó và tâm bạn bám riết lấy nó suốt nhiều ngày. Việc tu tập của bạn coi như không mạch lạc, vì bạn đã để cho vật thể trở nên lớn hơn đôi mắt của bạn.

Trường hợp đôi mắt lớn và các vật thể nhỏ, đó là khi bạn còn muốn nhìn một đối tượng sâu hơn. Khi nó không còn hiện diện trước mắt, bạn vẫn muốn nhìn thấy nó nhiều lần nữa. Bạn không thể buông nó ra. Đó là mắt to hơn vật thể. Những điều này làm nảy sinh lòng tham.

Khi vật thể to hơn mắt, cũng làm nảy sinh lòng tham và ảo tưởng. Ai không biết cách luyện tập sự kiềm chế mắt sẽ làm phát sinh ba ngọn lửa của tham, sân và si, thiêu cháy mắt và gây đau khổ.

- Tập kiềm chế đôi tai và âm thanh sao cho chúng có kích thước phù hợp với nhau. Đôi khi tai bạn to hơn âm thanh và đôi khi âm thanh lại to hơn tai. Thí dụ, ai đó nói điều gì khiến bạn phải suy nghĩ trong nhiều ngày. Đó là khi âm thanh lớn hơn tai, đưa đến cảm giác thích hoặc không thích. Ngọn lửa tham, sân và si đốt cháy tai ta như thế, vì ta đã không cảnh giác với cái ác, nên cái ác có thể tràn vào tâm ta.

- Tập kiềm chế mũi và mùi hương. Nếu mùi hương thơm, đừng yêu thích nó. Nếu mùi hôi khó chịu và bạn không thể chịu đựng được, hãy tránh xa nó. Đừng sân ghét nó.

Nếu bạn suy ngẫm về mũi và các mùi nó ngửi, bạn sẽ thấy rằng đôi khi mùi có thể lớn hơn mũi, tức là chỉ cần ngửi một hơi, mùi đó sẽ đọng lại trong tâm nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Mùi hôi có thể đã qua và biến mất sau một thời gian, nhưng mũi vẫn không quên cái mùi đó. Tham và sân bị khuấy động, rồi si chạy theo mùi hương. Đây gọi là sự không kiềm chế mũi.

- Tập kiềm chế lưỡi và vị. Nếu bạn có thực phẩm có thể ăn được, đừng vất vả tìm kiếm thêm các thứ để khiến nó trở nên đặc biệt hơn trước đó. Nếu đó là món bạn thích, hãy ăn cho no. Nếu không thích thì ăn một ít thôi.

Chọn những thực phẩm có lợi cho cơ thể. Nếu không, bạn sẽ khổ. Đừng chạy theo vị giác của bạn. Đôi khi hương vị còn lớn hơn cả đầu lưỡi. Bạn ngồi nghĩ đến việc ăn …, và thế là bạn đi tìm chúng. Nhưng khi tìm được chúng rồi, lưỡi của bạn sẽ teo lại và bạn khó có thể tận hưởng tất cả mọi thứ.

Đây là do không biết đủ, không biết tập kiềm chế. Ngoài việc ăn uống, lưỡi còn có vai trò trong việc nói năng. Đôi khi cái lưỡi dài ra: những điều bạn nói vượt xa sự thật. Bạn nói không ngừng nhưng tất cả đều vô nghĩa. Có khi chủ đề lớn nhưng lưỡi lại nhỏ: có nhiều điều cần giải thích nhưng bạn ậm ừ để không ai có thể hiểu được sự thật. Điều này được gọi là không luyện tập tự chủ khiến cho lưỡi không phù hợp với chủ đề, đưa đến đau khổ.

- Tập kiềm chế thân và các cảm giác xúc chạm. Đôi khi chúng phù hợp với nhau, đôi khi không. Thí dụ, nơi ở của bạn có thể lớn nhưng thân bạn lại nhỏ. Đôi khi nơi ở nhỏ, nhưng thân có cảm giác lớn. Chúng không hòa hợp nhau. Các cảm giác xúc chạm và thân không đi với nhau. Đôi khi thân nhỏ bé nhưng cảm giác lại lớn lao. Thí dụ, bạn có cảm giác dễ chịu nào đó mà bạn thích. Thế rồi, ngay cả khi nó đã biến mất, bạn vẫn nhớ nó. Đôi khi thân lớn nhưng cảm giác lại nhỏ bé. Thí dụ, bạn không cảm thấy thoải mái dù ngồi hay nằm bất cứ nơi đâu, vì cả thế giới dường như chật hẹp và tù túng. Đó là sự không kiềm chế để giữ cho thân và các cảm giác xúc chạm hòa hợp với nhau. Từ đó phát sinh đau khổ.

- Tập kiềm chế tâm để giữ cho nó đi đúng hướng, phù hợp với mọi thứ khi chúng phát sinh. Đôi khi suy nghĩ của bạn lớn hơn tâm thức: bạn lo lắng về điều gì đó, thực sự không nghiêm trọng lắm, đưa đến những hiểu lầm, làm cho tâm trí bồn chồn và lo lắng. Đôi khi tâm trí lớn hơn suy nghĩ của bạn: bạn biến một vấn đề nhỏ thành bốn, năm vấn đề lớn. Nói cách khác, bạn không tập kiềm chế tâm để giữ cho nó phù hợp với tình huống - cái mà người ta gọi là “chuyện bé xé ra to”. Điều này đưa đến sự phân tâm vô ích, mở đường cho tham, sân và si xuất hiện. Đây là lý do chúng ta được dạy phải kiềm chế cẩn thận tâm để nó được an bình, tĩnh lặng.

Đó là ý nghĩa của sự kiềm chế các căn.

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Chuyển ngữ từ RESTRAINT OF THE SENSES, sách Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning Meditators - Bắt đầu Từ Việc Nhỏ: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/kiem-che-cac-can-post71373.html