Khuyến khích người dân lựa chọn hình thức hòa giải, đối thoại tại tòa án

Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án do Quốc hội ban hành năm 2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Sau hơn 3 năm triển khai thi hành, luật được người dân đón nhận tích cực khi mang lại lợi ích nhiều mặt trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thông qua HGĐT, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện quan hệ tình cảm, giữ gìn sự đoàn kết trong cuộc sống.

Các HGV tại TAND TP Thanh Hóa trao đổi, thảo luận, nâng cao nghiệp vụ HGĐT tại tòa án.

Thực hiện Luật HGĐT tại tòa án, từ năm 2021 đến nay, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyển chọn và bổ nhiệm được 44 hòa giải viên (HGV), trong đó có 3 HGV tại TAND tỉnh và 41 HGV tại TAND các huyện, thị xã, thành phố.

Theo đánh giá của TAND tỉnh, các HGV được bổ nhiệm bảo đảm đúng điều kiện theo quy định của luật. Đa số đều là những cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan tư pháp đã nghỉ hưu nên có kinh nghiệm trong công tác HGĐT tại tòa án. Công tác HGĐT tại TAND hai cấp được thực hiện nghiêm túc và đúng quy định, giảm tải khối lượng công việc đối với ngành tòa án. Chỉ tính riêng năm 2023, TAND hai cấp đã hòa giải thành 1.872/2.727 vụ theo Luật HGĐT tại tòa án, đạt tỷ lệ 68,6%. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, TAND hai cấp đã HGĐT thành 254/535 số đơn đủ điều kiện hòa giải, đạt tỷ lệ 47,4%.

TP Thanh Hóa là trung tâm phát triển sôi động của cả tỉnh. Song, mặt trái kéo theo đó là các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều, số lượng vụ việc ngành tòa án phải giải quyết ngày càng tăng, áp lực công việc lớn. Do vậy, TAND TP Thanh Hóa đã tổ chức hiệu quả hoạt động HGĐT tại tòa án với 5 HGV được bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và đối thoại khiếu kiện hành chính. TAND TP Thanh Hóa đã bố trí 3 phòng làm việc riêng và các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động HGĐT; đồng thời sát sao chỉ đạo về mặt chuyên môn, tạo điều kiện cho các HGV tham gia tập huấn, sơ kết, tổng kết; phân công các thẩm phán tham gia các phiên họp ghi nhận kết quả HGĐT.

Ông Trương Quốc Văn, HGV tại TAND TP Thanh Hóa cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính phải thực hiện nhiều thủ tục, từ việc nộp tạm ứng án phí, mở các phiên họp giao nộp và công khai tài liệu, chứng cứ, mở phiên hòa giải, phiên đối thoại nếu không thành thì phải mở phiên tòa xét xử... Tuy nhiên, nếu các vụ việc được giải quyết bằng hình thức HGĐT thì chỉ phải tiến hành các bước HGĐT. Nếu các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất thì mở phiên họp ghi nhận kết quả HGĐT theo quy định tại Điều 30 của luật và chuyển hồ sơ cho tòa án ra quyết định công nhận kết quả HGĐT thành tại tòa án. Như vậy là trình tự HGĐT của vụ việc kết thúc. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, tố tụng hành chính. Thời hạn HGĐT theo Điều 20 Luật HGĐT tại tòa án là 20 ngày, trường hợp kéo dài không quá 30 ngày.

Ông Trương Quốc Văn chia sẻ thêm: Chính vì những ưu điểm, thuận tiện của hoạt động HGĐT tại tòa án, ngày càng có nhiều trường hợp các bên đã lựa chọn phương án giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện bằng hình thức HGĐT tại tòa án. Ví dụ từ một vụ án cụ thể, như: Công ty TH có nợ Công ty AP hơn 28 tỷ đồng. Hai bên xảy ra mâu thuẫn trong việc thanh toán khoản nợ và đã lựa chọn hình thức HGĐT tại tòa án để giải quyết. Tiếp nhận vụ việc, HGV đã tiến hành hòa giải giữa các bên. Hai bên đi đến thống nhất thỏa thuận: Công ty TH thừa nhận khoản nợ; Công ty AP chấp nhận cho Công ty TH trả số tiền nợ bằng 15 lần trong thời gian từ tháng 5/2024 đến cuối năm 2027. HGV đã lập biên bản ghi nhận thỏa thuận và chuyển hồ sơ cho tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận của các bên. Trong khi đó, các bên được lợi là không phải chịu án phí giá ngạch, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, các HGV cũng đã giải quyết nhiều vụ hôn nhân và gia đình, trong đó có một số vụ việc hòa giải thành để vợ chồng đoàn tụ xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều vụ việc khác được giải quyết thấu tình, đạt lý trên cơ sở quy định của pháp luật, giúp 2 bên thuận tình ly hôn mà không xảy ra tranh chấp về con cái, tài sản chung.

Luật HGĐT tại tòa án đã tạo ra cơ chế pháp lý để người dân lựa chọn hình thức HGĐT giải quyết tranh chấp khiếu kiện một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi loại vụ việc khiếu kiện. Tuy nhiên, đây là luật mới được ban hành lần đầu, thời gian thực hiện chưa lâu nên nhiều người dân chưa biết đến luật hoặc chưa hiểu đầy đủ về những lợi ích của luật nên không lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua hình thức HGĐT tại tòa án. Còn nhiều trường hợp người dân khi nộp đơn tại tòa án từ chối HGĐT, mặc dù đã được giải thích những lợi ích từ phương án HGĐT. Trước thực tế đó, để khuyến khích người dân lựa chọn hình thức HGĐT tại tòa án khi xảy ra các vụ việc khiếu kiện, cần nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu biết đầy đủ hơn về Luật HGĐT tại tòa án.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khuyen-khich-nguoi-dan-lua-chon-hinh-thuc-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-214796.htm