Không thể ngụy biện cho thói côn đồ

Tôi hoan nghênh và cảm thấy 'nhẹ lòng' khi hay tin Công an quận 4 (TP HCM) đã bắt khẩn cấp kẻ hành hung dã man một cô gái chỉ vì va quệt giao thông

Thú thật, tôi không đủ can đảm xem hết đoạn video ghi lại cảnh cô gái bị đánh tàn nhẫn vì cảm giác bất nhẫn, phẫn nộ trước hành vi côn đồ, xem thường pháp luật của người đàn ông đó.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ hành xử kiểu "hổ báo" trên đường chỉ vì va chạm giao thông nhỏ. Từ những vụ cãi vã thông thường, nhiều người đã không kiểm soát được cảm xúc, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết. Các vụ xung đột này không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và chính người gây ra bạo lực.

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân xuất phát từ ý thức kém, tâm lý nóng nảy, thiếu kiểm soát cảm xúc của người tham gia giao thông. Khi xảy ra va chạm, thay vì bình tĩnh đối thoại, tìm cách giải quyết trên tinh thần hợp tác, nhiều người lại có xu hướng dùng bạo lực để "giải tỏa cơn giận". Sâu xa hơn, điều này phản ánh người trong cuộc thiếu các kỹ năng ứng xử, thiếu lòng khoan dung, sự nhẫn nại.

Không ít người mang tâm lý "mạnh được, yếu thua" khi gặp tình huống bất ngờ trên đường. Chỉ cần xe bị trầy xước, họ sẵn sàng biến mình thành "kẻ bề trên" để trút giận lên người khác, bất chấp hậu quả pháp lý có thể xảy ra. Đáng buồn hơn, sự im lặng hoặc thờ ơ của những người xung quanh đôi khi lại vô tình tiếp tay cho những hành vi bạo lực ấy.

Không ai có quyền đứng trên pháp luật, cũng không ai được phép cho mình quyền tấn công, xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự người khác - cho dù lỗi thuộc về ai. Bộ Luật Hình sự quy định hành vi cố ý gây thương tích mà tỉ lệ thương tích của nạn nhân dưới 11% thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp nạn nhân có đơn tố cáo. Tuy nhiên, với những hành vi tấn công người khác một cách dã man, có tính chất côn đồ, xâm hại thân thể người yếu thế, chế tài cần nghiêm khắc hơn. Dù tỉ lệ thương tích không tới 11%, vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng để những kẻ côn đồ không thể viện cớ biện minh cho hành động bạo lực của mình.

Nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông bằng việc tăng cường truyền thông về các hình phạt nghiêm minh (như: tước bằng lái, tạm giam hoặc phạt tù), là biện pháp răn đe cần thiết.

Ngoài ra, việc xử lý kịp thời, nghiêm khắc những hành vi côn đồ là bài học giáo dục cho cộng đồng. Khi biết bất kỳ hành vi tấn công người khác nào cũng bị xử lý nghiêm, những người có ý định "hổ báo" chắc chắn sẽ phải cân nhắc hành vi của mình.

Đã đến lúc có những chế tài mạnh mẽ, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, không có chỗ cho sự côn đồ, bạo lực.

Nguyễn Đước

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-the-nguy-bien-cho-thoi-con-do-196241216203433108.htm