Không thể để tội phạm nước ngoài lộng hành

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm có tổ chức của người Trung Quốc tại Việt Nam. Từ ma túy, mại dâm… cho đến thao túng cả thị trường chứng khoán, những hành vi, thủ đoạn phạm tội của các băng nhóm tội phạm khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng.

Đủ loại tội phạm hình sự

Một vụ án gây chấn động dư luận gần đây nhất do nhóm tội phạm người Trung Quốc thực hiện xảy ra vào ngày 16/9/ Công an Thành phố Đà Nẵng đã bắt giữ khẩn cấp nhóm 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam để điều tra về hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Nhóm đối tượng bị Công an thành phố Đà Nẵng bắt giữ về hành vi thuê người đóng phim sex

Trước đó, ngày 13/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Đà Nẵng tiếp nhận đơn tố cáo việc từ tháng 3/2019, em N.H.K.D (sinh năm 2004, trú Đà Nẵng) bị nhóm người này dụ dỗ, bắt quan hệ tình dục và livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội Trung Quốc. Hoạt động trên diễn ra tại số 31 đường Lê Minh Trung (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà).

Ngày 14/9, công an kiểm tra hành chính căn nhà 4 tầng tại số 31 đường Lê Minh Trung, phát hiện 5 người mang quốc tịch Trung Quốc và 1 người Việt Nam đang lưu trú. Công an bước đầu xác định, các đối tượng tổ chức quay trực tiếp các clip kích dục, quan hệ tình dục để tung lên mạng. Đồng thời đăng thông tin tuyển người làm việc lên các nhóm trên Facebook để tìm kiếm phụ nữ tham gia quay clip đồi trụy. Từ đầu mối này, các đối tượng hẹn gặp và thỏa thuận quay cảnh sexy.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, thủ đoạn của các băng nhóm tội phạm người nước ngoài rất tinh vi. Các đối tượng vào Việt Nam một cách công khai, có hộ chiếu, nhưng khi vào rồi thì bắt đầu cấu kết, lợi dụng với các đối tượng tại chỗ để hình thành các băng nhóm, hoạt động rất khó phát hiện.

Một phần khác, do công tác quản lý chưa được chặt chẽ nên bị lợi dụng. Nếu không kịp thời phát hiện và đấu tranh nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến cả yếu tố quốc phòng, an ninh. Các cơ quan chức năng phải thắt chặt các thủ tục, quy trình, cần tăng cường giao ban, phối hợp trao đổi thông tin giữa các địa bàn để kịp thời nắm tình hình, không để địa bàn nào bị bỏ trống.

Bởi thông thường, địa phận giáp ranh ở các tỉnh bị bỏ trống, rất dễ bị tội phạm lợi dụng để hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý xuất, nhập cảnh phải siết chặt, đặc biệt là các cơ quan có chức trách ở cửa xuất - nhập cảnh, ở các bến cảng, cửa khẩu, sân bay phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, bố trí lực lượng để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Cuối tháng 8, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã bàn giao 28 đối tượng cho Cục Công an thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Trước đó, tại một nhà nghỉ trên địa bàn Thành phố Móng Cái, lực lượng chức năng đã phát hiện 28 người Trung Quốc đang có hành vi “chơi” chứng khoán trái phép trên mạng Internet.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 516 chiếc điện thoại di động các loại; 21 bộ máy tính còn hoạt động, chứa dữ liệu chữ Trung Quốc; 1 thiết bị quẹt thẻ để thanh toán qua mạng. Các đối tượng khai sử dụng số thiết bị này để lôi kéo người Trung Quốc tham gia chơi chứng khoán tại các sàn giao dịch giả nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhằm tránh sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc, các đối tượng đã sang thành phố Móng Cái để hoạt động lừa đảo đối với người Trung Quốc.

Gần đây nhất, ngày 17/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) bàn giao 34 người Trung Quốc có hành vi hoạt động tội phạm công nghệ cao cho cơ quan chức năng xử lý. Theo điều tra, nhóm người Trung Quốc này xin visa vào Việt Nam với mục đích du lịch, sau đó cả nhóm thuê nguyên khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn để lưu trú.

Sau quá trình nắm thông tin, ngày 15/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố Đà Nẵng ập vào khách sạn Chula, khống chế 34 người Trung Quốc đang ở đây.

Tang vật tạm giữ tại hiện trường gồm nhiều laptop, điện thoại di động kết nối mạng để truy cập các trang web ở Trung Quốc nhằm đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán. Những người bị bắt khai nhận do hành vi này bị cấm ở Trung Quốc nên cả nhóm sang Việt Nam để thực hiện, tất cả đều làm thuê cho một ông chủ tại Trung Quốc…

Trên đây chỉ là một số vụ án mà các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc gây ra. Trước đó, Bộ Công an còn triệt phá nhóm tội phạm người Trung Quốc tổ chức sản xuất ma túy ở tỉnh Kon Tum, triệt phá hệ thống đánh bạc quốc tế tại khu đô thị Our City ở Hải Phòng, hoạt động “tín dụng đen” ở TP.HCM, làm giả thẻ ATM ở Nghệ An, trộm cắp ở Thanh Hóa…

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Có thể thấy tình trạng người nước ngoài nói chung hay người Trung Quốc nói riêng vào Việt Nam thực hiện hành vi tội phạm đang trở nên phổ biến, không chỉ là một nhóm người hoạt động nhỏ lẻ như trước đây, mà các đối tượng đã tổ chức với quy mô lớn. Điều này cho thấy công tác quản lý của chúng ta đang tồn tại một số lỗ hổng cần khắc phục.

Ngay từ công tác quản lý xuất, nhập cảnh cần phải có sự kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện ngay những đối tượng có biểu hiện nghi vấn, giữ được tinh thần cởi mở nhưng không “dễ dãi”. Vai trò kiểm tra, giám sát thường xuyên của cảnh sát khu vực, tổ dân phố, chính quyền phường, xã cơ sở phải được chấn chỉnh. Làm rõ trách nhiệm liên đới nếu có của các đơn vị kinh doanh du lịch nếu để xảy ra tình trạng khách du lịch nước ngoài bỏ trốn, ở lại.

Phát huy vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở trong phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các biểu hiện nghi vấn, làm trái pháp luật của người nước ngoài trên địa bàn. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các hành vi, thủ đoạn của người Việt móc nối, che dấu, tiếp tay cho người nước ngoài vi phạm pháp luật. Việc quản lý lưu trú của người nước ngoài ở các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ... hay tại các khu dân cư, nhất là các khu chung cư, khu đô thị mới xây dựng phải được siết chặt.

Các đối tượng tội phạm sẵn sàng bỏ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để thuê lại các căn biệt thự, chung cư cao cấp. Khi đăng ký lưu trú, các đối tượng chỉ đăng ký một vài người nhưng thực tế lại lưu trú rất nhiều người. Nếu chủ cơ sở kinh doanh cố tình làm ngơ và cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra, giám sát sẽ tạo điều kiện để các ổ nhóm tội phạm này hoạt động.

Hiện nay, việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do họ thường có thái độ không hợp tác. Nhiều trường hợp đối tượng vi phạm cố tình không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lợi dụng sự khác biệt ngôn ngữ để né tránh cơ quan chức năng. Cùng với đó, các chế tài về xử lý hành chính người nước ngoài trong thời gian qua, như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, không xử lý triệt để vấn đề.

Để ngăn chặn, xử lý về lâu dài đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ riêng lực lượng công an mà còn cả sự quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp và người dân. Cần có quy định và biện pháp quản lý chặt các cá nhân, tổ chức khi ký hợp đồng cho người nước ngoài thuê bất động sản, để biết người thuê sử dụng vào mục đích gì.

Khi phát hiện những biểu hiện bất thường như tụ tập đông người, thường xuyên ở trong phòng, đóng kín cửa, che rèm… cần báo ngay cho cơ quan chức năng mà gần nhất là công an phường, xã hoặc các công an phụ trách khu vực. Việc xuất hiện của những khu dân cư tập trung đông người nước ngoài sinh sống cũng cần có những biện pháp quản lý mang tính đặc thù... Có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả tình trạng tội phạm nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-the-de-toi-pham-nuoc-ngoai-long-hanh-96602.html