Không lơ là việc kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh

Trong hai ngày 27-28/2, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tập huấn công tác 'Phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Sars-Cov-2 trong cơ sở khám chữa bệnh'.

Hơn 150 học viên là lãnh đạo các khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa khám bệnh, khoa truyền nhiễm và khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện đã tham dự lớp tập huấn. Đây cũng là những cán bộ nòng cốt trong hướng dẫn, phòng ngừa kiểm soát lây nhiễm tại đơn vị sau khi được tập huấn.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Sars-Cov-2 (COVID-19) đánh giá cao vai trò của các thầy thuốc trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Với phương châm 4 tại chỗ, công khai, minh bạch thông tin và làm triệt để công tác cách ly, các bệnh viện đã điều trị thành công 16/6 ca mắc COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID–19 đang diễn biến phức tạp, các thầy thuốc ở các tuyến đầu đang căng mình chống dịch và là lực lượng đang hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với nguồn bệnh và những người mắc bệnh. Vì vậy, việc phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 trong các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây nhiễm từ bệnh nhân ra cán bộ y tế, lây nhiễm ra cộng đồng.

"Mỗi nhân viên y tế cần hiểu rõ về COVID-19, về xây dựng khu cách ly trong bệnh viện, công tác tổ chức sàng lọc, tiếp nhận, cách ly người nhiễm, nghi ngờ nhiễm COVID-19…" - PGS. Khuê nhấn mạnh.

Lớp tập huấn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc hơn 3.000 cán bộ y tế ở Vũ Hán bị lây nhiễm hay các ca lây nhiễm với tốc độ chóng mặt tại Hàn Quốc là bài học của Việt Nam.

“Không có chuyện ca bệnh nặng hay ca bệnh nhẹ, hay con virus truyền bệnh nặng, truyền bệnh nhẹ. Tất cả cán bộ y tế không được chủ quan và lơ là trong phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong điều trị SAR, Mer-Cov, Cúm A H1N1, H5N… và đã điều trị khỏi 16 bệnh nhân ca mắc COVID -19, song chúng ta mới chỉ thắng lợi “bước đầu”, chặng đường trước mắt chúng ta còn dài" - PGS. Khuê cho biết.

Tính đến ngày 27/2, ngoài 16 người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và được xuất viện, Việt Nam còn 92 người nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, còn có 5.474 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

Tại lớp tập huấn, các học viên được các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn hướng dẫn tại chỗ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, vệ sinh tay... vệ sinh khử khuẩn bề mặt môi trường, vệ sinh phương tiện vận chuyển, xử lý dụng cụ, đồ vải…

Bên cạnh đó, các học viên còn được hướng dẫn về phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cho người nhà và khách thăm; cách lấy, bảo quản, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm; phòng ngừa lây nhiễm trong xét nghiệm COVID-19…

Tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ có một lớp tập huấn tương tự được tổ chức vào ngày 28-29/2/2020.

Lê Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-va-kiem-soat-lay-nhiem-benh-viem-duong-ho-hap-cap-do-virus-sars-cov-2-trong-co-so-kham-chua-benh-n169426.html