Không gian thiêng liêng của cựu chiến binh Hoàng Chiến Sỹ

Từ năm 1982 đến nay, với tấm lòng, tình cảm tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Hoàng Chiến Sỹ (64 tuổi) ở thôn Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng đã dành ra khoảng không gian chính trong căn nhà của mình để lập bàn thờ Bác và trưng bày tranh ảnh, tư liệu về truyền thống cách mạng vẻ vang.

Không gian chính trong căn nhà của anh Sỹ lập bàn thờ Bác và trưng bày tranh ảnh, tư liệu về truyền thống cách mạng vẻ vang

Không gian chính trong căn nhà của anh Sỹ lập bàn thờ Bác và trưng bày tranh ảnh, tư liệu về truyền thống cách mạng vẻ vang

Tôi gặp cựu chiến binh Hoàng Chiến Sỹ trong căn nhà nhỏ của ông nằm bên dòng sông Ô Lâu. Ông Sỹ kể đã từng kinh qua chiến trường Tây Nam và mặt trận biên giới phía Bắc. Tháng 11/1977, ông nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội E9, Sư đoàn F304, Quân đoàn 2 - quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại chiến trường Tây Nam, ông cùng đơn vị tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, góp phần cùng quân dân Campuchia đánh bại chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng đất nước này. Sau một thời gian ở lại bảo vệ sự ổn định cho đất nước Campuchia thì tại Việt Nam nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Tháng 4/1979, đơn vị của ông được lệnh hành quân cấp tốc về nước, lên Lạng Sơn chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tại đây, ông đã cùng đơn vị trực tiếp tham gia nhiều trận đánh oanh liệt, đẩy lùi quân xâm lược. Đến năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương. Về quê, ông đảm nhận chức vụ Xã đội trưởng và nhiều công việc khác như tham gia cấp ủy chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Câu Nhi từ năm 1982-1990 thì xin nghỉ ở nhà làm kinh tế.

Điều đáng trân trọng là từ năm 1982, sau khi trở về từ chiến trường, ông cưới bà Nguyễn Thị Thuận và cũng từ thời điểm này ông lập bàn thờ Bác Hồ ngay trong căn nhà của mình. “Thời điểm đó tôi có 2 bức ảnh quý của Bác Hồ và lãnh tụ Lênin mang về từ chiến trường. Từ hai bức ảnh này tôi đã lập bàn thờ Bác và lập một căn phòng truyền thống cách mạng. Từ bàn thờ Bác ban đầu ấy, đến nay tôi đã có một gian phòng rộng lớn với gian giữa trang trọng thờ Bác Hồ, không gian xung quanh tôi bổ sung thêm nhiều ảnh của các lãnh tụ, tướng lĩnh và nhiều tranh, thư pháp, khẩu hiệu mô tả về truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đất nước”, ông Sỹ nói.

Ông cũng kể, suốt trong thời gian dài từ năm 1982 đến cả chục năm sau đó, nhiều đơn vị trong xã, các xã lân cận, các trường học mỗi khi có dịp lễ trọng đều mượn những bức ảnh tư liệu quý để tổ chức lễ. Dẫn tôi ra vườn, nơi có cây sanh theo ông là khá đặc biệt bởi đó là minh chứng để ông tưởng nhớ về Trung đội Mai Quốc Ca anh hùng đã chiến đấu và hi sinh tại đầu cầu Thạch Hãn lịch sử. “Cây sanh này tôi đã trồng hơn 20 năm rồi. Thời điểm sanh sốt giá có người trả tới 20 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết không bán. Tôi đã tạo cây sanh này trở thành biểu tượng bất khuất về Trung đội Mai Quốc Ca với 7 tán, thân uốn lượn vắt ngang như 2 đầu cầu Thạch Hãn, bên trong tiểu cảnh đặt bức đá khắc tiểu sử về trung đội. Tôi làm việc này là để tưởng nhớ công ơn, sự chiến đấu ngoan cường, hi sinh anh dũng của Trung đội Mai Quốc Ca vào tháng 4/1972- đây cũng là đơn vị thuộc Đại đội E9, Sư đoàn F304, Quân đoàn 2”, ông xúc động nói.

Giờ đây, khi tuổi đã ngoại lục tuần, vợ chồng ông Sỹ vẫn miệt mài, chăm chỉ lao động dù 3 người con của ông bà đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Hơn chục năm nay, ông bà tận dụng mảnh vườn của mình để trồng mai vàng, nuôi gà và xây bể nuôi cá trê, cá lóc để có thêm thu nhập và vui tuổi già.

Nhiều năm qua, căn nhà của vợ chồng ông Sỹ đã trở thành địa chỉ quen thuộc để Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 304 tại huyện Hải Lăng hội họp mỗi dịp gặp mặt truyền thống. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” để các tổ chức, đoàn thể địa phương, các trường học đưa học sinh đến tham quan ngoại khóa về lịch sử… Và ông cũng trở thành “hướng dẫn viên” trong không gian thiêng liêng của mình để nói chuyện, vun đắp truyền thống hào hùng của dân tộc, quê hương để thế hệ trẻ thêm yêu quý, tự hào về Tổ quốc, đất nước mình…

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=144923