Không để 'lãng phí' niềm tin

Một trong nhiều nội dung đáng chú ý nằm tại điều 5 Thông tư 46/2024 của Bộ Công an...

Thông tư 46/2024 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019, quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực từ ngày 15-11 tới. Một trong nhiều nội dung đáng chú ý là điều 5 của Thông tư 46.

Lực lượng CSGT được tin tưởng thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, chính xác - Ảnh THANH THẢO

Lực lượng CSGT được tin tưởng thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, chính xác - Ảnh THANH THẢO

Theo đó, người dân được giám sát thông qua các hình thức như tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên phương tiện thông tin đại chúng; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình không còn.

Trên thực tế, có tình trạng lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ không đúng bản chất sự việc lên mạng xã hội.

Tuy vậy, không thể phủ nhận nhiều vụ việc tiêu cực hoặc ứng xử thiếu chuẩn mực của CSGT được phát hiện nhờ hình ảnh, âm thanh người dân ghi lại. Thậm chí, báo chí không ít lần chỉ ra dấu hiệu nhũng nhiễu, mãi lộ...

Có lẽ trong giai đoạn dự thảo, thông tư trên được tính toán, cân nhắc, nâng lên đặt xuống rất nhiều...

Theo quy luật của sự phát triển, cái mới đi sau thường hoàn thiện hơn cái cũ vì đã nhận diện và khắc phục được bất cập thông qua đối chiếu thực tiễn.

Thông tư 46/2024, trong đó có điều 5, nằm trong quy luật ấy khi giúp cán bộ, chiến sĩ không bị phân tâm khi thực thi công vụ, đồng thời thể hiện sự tin tưởng lớn hơn về tinh thần nghiêm túc, xử lý chính xác của họ. Vì vậy, lực lượng CSGT cũng cần thể hiện việc đáp ứng tốt sự tin tưởng đó.

Anh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-de-lang-phi-niem-tin-196241006213634782.htm