Luật BHXH 2024: Lưới thép bảo vệ người lao động, chặn đứng hành vi trốn tránh nghĩa vụ
Luật BHXH 2024 tạo 'lưới thép pháp lý', siết chặt xử lý nợ, trốn đóng, bảo vệ quyền lợi người lao động bị treo suốt nhiều năm.
Hơn một thập kỷ qua, hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội đã có nhiều bước tiến, nhưng vẫn còn khoảng trống khiến hàng trăm ngàn lao động bị treo quyền lợi vì chủ sử dụng lao động nợ, trốn, hay gian lận BHXH, BHYT. Giờ đây, Luật BHXH 2024 và Luật BHYT 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 đang được kỳ vọng như “lưới thép pháp lý” nhằm chấm dứt tình trạng này.
Người dân đồng tình: “Không thể để quyền lợi bị lờ đi mãi”
Không phải đến bây giờ người lao động mới lên tiếng về tình trạng bị “treo” BHXH, BHYT. Nhưng trước đây, ranh giới giữa “chậm đóng” và “trốn đóng” quá mơ hồ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, khiến doanh nghiệp vi phạm thường… đủng đỉnh sửa sai sau khi đã để lại hậu quả.
Anh TTM (ngụ TP.HCM), từng làm việc cho một công ty truyền thông với tư cách cộng tác viên toàn thời gian chia sẻ: “Chúng tôi làm liên tục hai, ba năm nhưng không được đóng BHXH. Chủ doanh nghiệp bảo là không bắt buộc. Giờ luật quy định rõ từng hành vi, thì ít nhất người lao động cũng có chỗ bám vào để đấu tranh”.
Chị Trương Thị Hồng Tươi (ngụ TP.HCM), từng làm kế toán cho một công ty dệt may, chia sẻ góc nhìn từ bên trong: “Nhiều doanh nghiệp chây ì đóng BHXH, BHYT. Thậm chí, nợ hơn cả năm trời. Nhưng vì không ai công khai, người lao động không biết. Tôi thấy việc công bố tên đơn vị nợ BHXH trên cổng thông tin BHXH là cách làm minh bạch, cần thiết”.
Không ít chủ doanh nghiệp cũng bày tỏ sự ủng hộ luật mới. Ông Nguyễn Phương (ngụ TP.HCM), giám đốc một công ty dịch vụ, cho rằng luật mới công bằng hơn: “Doanh nghiệp đàng hoàng như chúng tôi phải cạnh tranh không sòng phẳng với những đơn vị cố tình khai thấp lương để né đóng BHXH. Phạt 0,03%/ngày và cho phép khởi tố hình sự với hành vi trốn đóng là rất đáng hoan nghênh”.

Cán bộ BHXH khu vực XXVII tư vấn cho người dân về chế độ BHXH tại bộ phận một cửa. Ảnh: THUẬN VĂN
“Luật mới không còn vùng xám cho trốn tránh nghĩa vụ”
Trao đổi với PV, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH khu vực XXVII khẳng định: “Luật BHXH 2024 và Luật BHYT 2024 có hiệu lực từ 1-7-2025 đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường các biện pháp xử lý, đặc biệt là bổ sung khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH”.
Theo ông Hà, một trong những điểm tiến bộ rõ rệt là vai trò chủ động của cơ quan BHXH. Cụ thể, Điều 35 của Luật BHXH giao trách nhiệm cho cơ quan BHXH phát hiện và đôn đốc người sử dụng lao động chậm hoặc trốn đóng. Đáng chú ý, các đơn vị vi phạm sẽ bị công khai danh tính trên cổng thông tin điện tử - một động thái tạo áp lực xã hội rất mạnh mẽ. Đối với BHYT, Điểm c Khoản 1 Điều 48b của Luật BHYT cũng quy định rõ: Đơn vị không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHYT chậm nhất theo quy định và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc thì bị coi là vi phạm.
Luật cũng phân định rạch ròi giữa hành vi chậm đóng (Điều 38, Điều 48a) và trốn đóng (Điều 39, Điều 48b) điều mà trước đây thường bị nhập nhằng. Theo đó, những hành vi như không đăng ký đầy đủ người lao động, khai thấp tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, hoặc không thực hiện nghĩa vụ đóng sau khi đã bị đôn đốc đều bị đưa vào diện xử lý cụ thể, có căn cứ rõ ràng.
Về chế tài xử lý, ông Hà dẫn chiếu các quy định tại Điều 40 và 41 của Luật BHXH, khoản 2, 3, 4 Điều 49 của Luật BHYT, theo đó người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng sẽ bị áp dụng đồng thời nhiều biện pháp: Buộc đóng đủ số tiền còn thiếu; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHYT, BHTN chậm đóng hoặc trốn đóng và số ngày vi phạm; xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi có dấu hiệu hình sự; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT do chậm đóng, trốn đóng.
Đặc biệt, ông Hà nhấn mạnh quy định chuyển tiếp tại khoản 12 Điều 141 của Luật BHXH và điểm d khoản 5 Điều 3 của Luật BHYT sửa đổi: các khoản nợ BHXH, BHTN, BHYT phát sinh trước ngày 1-7-2025 mà chưa được doanh nghiệp thanh toán đầy đủ sẽ bị xử lý theo luật mới - tức là chịu chế tài nghiêm khắc hơn.
Công thức tính tiền phạt chậm nộp BHXH, BHTN
Số tiền phạt chậm nộp = 0,03% x Số tiền BHXH, BHTN chậm đóng, trốn đóng x Số ngày chậm đóng, trốn đóng
Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 8 Điều 13, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không đóng BHXH bắt buộc hoặc đóng BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.