Không dễ để 'Đối diện với vô cùng'
Ba đêm trình diễn trước khán giả Hà Nội, 'Đối diện với vô cùng' để lại không ít ấn tượng.
Ấn tượng đầu tiên là thắng lợi về bán vé đối với một vở diễn sân khấu được quảng bá lấy yếu tố truyền thống (nghệ thuật tuồng) làm hồn cốt. Vậy nhưng, khoảng hơn 1.000 chỗ cho 3 đêm sáng đèn “Đối diện với vô cùng” tại rạp Hồng Hà (Đường Thành, Hà Nội) đã được đặt mua. Trong đó, hạng ghế VIP (khoảng 145 chỗ) của cả 3 suất diễn có giá khá cao: 1,2 triệu đồng/vé đã hết sớm từ hai hôm trước của suất diễn cuối.
Cùng với đó, rạp Hồng Hà gần kín khán giả song không phải theo lẽ thông thường phần lớn là người trung hoặc cao niên mà là các bạn trẻ. Đây là hình ảnh có phần khác biệt so với các suất diễn khác của sân khấu kịch hát dân tộc.
Rõ ràng, những đêm diễn của “Đối diện với vô cùng” đã phá vỡ cái nếp quen thuộc bởi một thành phần khán giả trẻ trung, trong đó có cả sinh viên. Những gương mặt trẻ này đem đến cho khán phòng không khí thật tươi mới.
Chẳng thế mà, lưu luyến rời rạp hát khi màn nhung khép lại, cặp đôi Lâm Nhật Tiến (Thanh Xuân) và Quỳnh Hương (Cầu Giấy) vẫn muốn lưu lại kỷ niệm bằng cách cùng giữ tấm poster của vở diễn.
Lâm Nhật Tiến hào hứng cho biết, anh thấy không uổng khi bỏ tiền ra mua vé để cùng bạn gái đến rạp thưởng thức “Đối diện với vô cùng”.
Anh cảm thấy choáng ngợp trước mọi khía cạnh của vở diễn, từ âm nhạc đến vũ đạo, ánh sáng, cách dàn dựng... Trong đó, âm nhạc và những chuyển động của diễn viên để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất với những đoạn có tiết tấu, vũ điệu rất bất ngờ khiến người xem không khỏi giật mình. Cùng với đó, cái kết của vở diễn cũng đọng lại trong anh cảm xúc đặc biệt.
“Buổi công diễn đầu tiên của “Đối diện với vô cùng” có thể nói thực sự là hoàn mỹ đối với tôi về mọi mặt. Trong quá trình thưởng thức, tôi không bận tâm đến vấn đề “lưu giữ, tiếp biến và truyền đạt di sản phi vật thể Việt ở một tinh thần mới, thể dạng mới, lạ lẫm nhưng vẫn giữ lại tinh thần của sân khấu truyền thống” như dẫn dụ ban đầu từ ban tổ chức.
Song đó lại là điều hay vì mọi cảm nhận sẽ rất tự nhiên để giờ ngẫm lại thì tôi thấy rõ các yếu tố truyền thống được thể hiện ở âm nhạc, trang phục cũng như sự chuyển động của các nhân vật. Còn yếu tố đương đại thì hiển hiện ở cách kể chuyện, điệu nhảy, âm nhạc cổ động của vinahouse. Sự kết hợp giữa chúng rất nhuần nhuyễn, mượt mà”, anh Tiến chia sẻ.
Đối với Quỳnh Hương, dù vở diễn khép lại đã gần nửa tiếng đồng hồ nhưng cô vẫn chưa thể diễn tả những ấn tượng cụ thể về vai diễn hay phân đoạn nào. Nhưng điều cô cảm nhận rõ nhất trong “Đối diện với vô cùng” là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại rất tự nhiên, hòa làm một, không hề bị gượng ép và tách ra làm 2 dòng chảy trái ngược.
“Tôi thấy rất thích thú khi ánh sáng và màu sắc sân khấu lột tả hết những gì về tâm lý nhân vật. Cùng với đó là âm nhạc quá hay đem đến cho tôi ấn tượng khó quên và đặc biệt kéo tôi chú ý hơn về nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, nhân đây, tôi rất muốn có thêm những cơ hội tìm hiểu thêm về tuồng, chèo, cải lương”, chị Hương nhấn mạnh.
Nếu anh Tiến, chị Hương lần đầu tiếp cận với nghệ thuật tuồng qua “Đối diện với vô cùng” thì Thục Anh, sinh viên Học viện Ngoại giao trước đó đã được xem vở “Thiếu phụ Nam Xương” do Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn hồi tháng 6. Vì vậy, Thục Anh có những cảm nhận và nhận diện rõ nét về nghệ thuật truyền thống này được các nghệ sĩ kết hợp như thế nào với nghệ thuật đương đại.
Trong đó, cô đặc biệt thích thú khi âm nhạc vở diễn cất lên mà nhận ra tiếng trống, chiêng, kèn, mõ, tì bà…; xem những chuyển động của các nghệ sĩ mà thấy đó là vũ đạo, âm nhạc của tuồng.
“Bên cạnh đó, em thấy ánh sáng trong vở diễn được trình diễn rất đẹp – dù chỉ gồm 2 màu trắng và đỏ mà cùng tôn âm nhạc, vũ điệu của vở diễn ở góc nhìn thêm huyền diệu, bí ẩn, từ đó đem lại cho khán giả không ít trầm trồ thán phục.
Đó là sự kết hợp khéo léo, tinh tế giúp khán giả có được những góc nhìn riêng biệt về câu chuyện mà vở diễn muốn đem lại. Như em cảm nhận thì đó là những đối diện về sự sống và cái chết có khi là cuộc đấu tranh có cả những mất mát, đau đớn nhưng cũng có khi lại nhẹ nhàng, vui vẻ.
Tuy nhiên với một vở diễn không có lời mà chỉ cảm nhận câu chuyện, thông điệp qua vũ điệu, âm thanh thì sẽ thật khó khăn. Ban tổ chức nên có phần giới thiệu về các nhân vật ngay từ ban đầu”, Thục Anh bày tỏ.
Quả vậy, “Đối diện với vô cùng” là vở diễn không lời, không dễ thưởng thức. Trong khoảng hơn 60 phút luôn là các trường âm thanh mạnh, có không ít quãng chát chúa cùng với những vũ đạo mạnh mẽ tập trung thể hiện diễn biến câu chuyện, tâm lý nhân vật phức tạp, biến đổi không ngừng trong không gian biểu diễn tối giản, không bục bệ và chỉ có hai màu đen, trắng.
Thêm nữa, ở đó các ẩn dụ được lồng ghép rất nhiều khiến người xem có thể ồ à để rồi chợt đăm nhận ra không dễ để “Đối diện với vô cùng”. Nhưng chắc chắn rằng, cách kể chuyện không sử dụng lời thoại này sẽ “ghi điểm” đối với khán giả quốc tế khi dự án nghệ thuật do Lên Ngàn, Nhà hát Tuồng Việt Nam và XplusXstudio tổ chức được kéo dài đến năm 2025 với kế hoạch vở diễn sẽ có các chuyến công du ở Amsterdam (Hà Lan), London (Vương quốc Anh).
Vở diễn “Đối diện với vô cùng” được thực hiện bởi ê-kíp sáng tạo trẻ, gồm: Tú Hoàng (biên đạo múa, diễn viên), Nguyễn Quốc Hoàng Anh (kịch bản, giám đốc nghệ thuật, âm nhạc), Hà Nguyên Long (đạo diễn sân khấu, thiết kế bối cảnh) và các vũ công: Nguyễn Duy Thành, Tom Pham, Trần Công Tuấn Anh, Nhơn Võ, Võ Trọng Nghĩa.
Các nghệ sĩ Việt Nam và Hà Lan cùng kết hợp kể câu chuyện từ những tâm tưởng, chiêm, nghiệm; gồm 3 phần: “Nối kiếp điêu linh”, “Chẳng còn gì phía sau” và “Muôn thuở chiêm bao”.
“Trước đó, tôi chưa từng xem tuồng nhưng khi được thưởng thức “Đối diện với vô cùng” thì vở diễn đã quyến rũ và thôi thúc tôi cần có sự quan tâm nhiều hơn đến các loại hình nghệ thuật dân tộc khác như tuồng, chèo, cải lương…”, khán giả Lâm Nhật Tiến bày tỏ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-de-de-doi-dien-voi-vo-cung-post695058.html