Không để ai bị bỏ lại phía sau
Triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, công tác an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Các chương trình 'Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'; Tháng cao điểm 'Vì người nghèo' được phát động hằng năm đã trao thêm cơ hội cho người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Mái ấm của tình người
Những ngày Đông giá, mưa rích rắc rơi làm tiết trời se sắt lạnh. Cảnh vật thiên nhiên dường như cũng lặng lẽ, cam chịu. Nhưng tôi cảm nhận được một cuộc sống êm đềm lan tỏa từ những mái ấm được xây dựng nên bằng tình người gom lại. Đó là những ngôi nhà mang tên đại đoàn kết toàn dân, được Quỹ Vì người nghèo của tỉnh và những tấm lòng thiện tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng.
Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên: Không ai muốn nghèo, nhưng vì nhiều lý do như: Trong nhà thường xuyên có người đau ốm; không có sức lao động; trí tuệ không bình thường…Mỗi người một cuộc sống, nhưng họ có một điểm chung là gia cảnh “động đâu thiếu đấy”. Nếu không có những bàn tay nhân ái chia sẻ, chắc chắn suốt cuộc đời sống cảnh nhà mưa dột, gió lùa.
Bà Nguyễn Thị Đào, xóm Chiểm, thị trấn Quân Chu (Đại Từ), là một người như thế. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi mà nước mắt cứ ầng ậc khiến giọng nghẹn ngào: Tôi tuổi cao, yếu người, chẳng làm được gì. Nếu không được Đảng, Nhà nước giúp đỡ thì suốt đời tôi sống cảnh nhà rách, mái dột. Còn ông Dương Văn Kim, xóm Phú Minh, xã Đào Xá (Phú Bình), bùi ngùi nói: Ngôi nhà vợ chồng tôi trú ngụ không cự nổi mưa gió của cơn bão số 3. Trong khó khăn hoạn nạn, gia đình tôi nhận được sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm để xây lại ngôi nhà mới rộng 80m2.
Đến huyện Đồng Hỷ, về xóm Ba Quà, xã Văn Hán, chúng tôi thăm gia đình bà Vi Thị Tâm, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng mất sớm, bà Tâm một mình nuôi con ăn học, mẹ con sống cảnh nhà dột, vách siêu. Nắm bắt được hoàn cảnh của bà, Hội Doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ đã thông qua Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để mẹ con bà có thêm kinh phí xây dựng nhà ở.
Gia đình bà Đào, ông Kim và bà Tâm chỉ là ba trong số hơn 3.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo được Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng. Riêng năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 319 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, với tổng kinh phí hơn 12,8 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2025, Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội sẽ hỗ trợ xóa nhà dột nát cho 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất ở hợp pháp.
Những mái ấm mang nặng tình người giúp bao cảnh đời vơi bớt khó khăn. Được an cư, sức khỏe bảo đảm, tinh thần phấn chấn, các thành viên trong hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong học, tập, lao động sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.
Nhờ được hỗ trợ kịp thời từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn tỉnh giảm nhanh. Cụ thể: Năm 2021 giảm hơn 4.200 hộ; theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, năm 2022 giảm hơn 9.900 hộ; năm 2023 giảm hơn 7.200 hộ và năm 2024 giảm gần 3.500 hộ.
Sẻ chia với người yếu thế
Không chỉ hiện thực hóa giấc mơ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm triển khai thực hiện có chất lượng công tác an sinh xã hội, giúp người yếu thế vơi bớt khó khăn, có cuộc sống ổn định. Chia sẻ với chúng tôi, ông Vy Văn Bảo, 76 tuổi, xóm Pháng 2, xã Phú Đô (Phú Lương) cho biết: Vợ chồng tôi sức yếu, thu nhập không ổn định. Nhà nghèo, nên ốm đau đi bệnh viện được Nhà nước hỗ trợ tiền viện phí.
Bà Lý Thị Du, xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): Nhờ được hỗ trợ về vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh tế gia đình tôi đã vơi bớt khó khăn.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Du phấn chấn dắt con bò ra bãi chăn thả. Với gia đình bà, đó là thứ tài sản lớn vừa được Nhà nước hỗ trợ tiền vốn để đầu tư. Với những người yếu thế như bà Du, ông Bảo thì được Nhà nước hỗ trợ kịp thời luôn là nguồn động viên lớn, tiếp thêm nghị lực để mỗi người có sức khỏe, tự tin hơn trong công cuộc xóa giảm nghèo cho chính gia đình mình.
Lật mở báo cáo về công tác an sinh xã hội hằng năm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng tôi phấn chấn hơn bởi những con số các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai, thực hiện đến người thụ hưởng chính sách xã hội, 100% trong số họ là người yếu thế.
Cụ thể năm 2024, các địa phương đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 44.300 người dân tộc thiểu số, hơn 8.800 người dân tộc Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; hơn 9.100 người thuộc hộ cận nghèo; gần 275.500 người dân sinh sống tại các xã ATK; hơn 33.500 người dân tộc thiểu số và 24.300 đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Đặc biệt có hơn 25.800 học sinh, sinh viên, trẻ em mẫu giáo là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi giáo dục và đào tạo, chủ yếu là miễn, giảm học phí, hỗ trợ về chi phí học tập, tiền ăn, tiền nhà.
Chính sách anh sinh xã hội được “phủ sóng” đến 100% đối tượng thụ hưởng. Điều đó thể hiện tỉnh Thái Nguyên đã và đang có nhiều nỗ lực trong triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đó cũng là một chính sách nhân văn giúp những người yếu thế trong xã hội vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống kinh tế gia đình nhằm hiện thực hóa mục tiêu: “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202501/khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-a972bc0/