Khơi thông nguồn vốn - Động lực để triển khai Nghị quyết 57
Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu tạo bước ngoặt cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhưng để thực hiện thì nguồn tài chính vẫn là rào cản lớn. Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng từ ngành Ngân hàng và các giải pháp đột phá từ Bộ Tài chính được coi là những giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ.
Nghị quyết 57, từ tầm nhìn đến thách thức
Nghị quyết 57, văn bản đầu tiên trong “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị, mang ý nghĩa chiến lược trong việc tạo sự thay đổi căn bản cho nền kinh tế đất nước, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem như động lực tăng trưởng mới khi các yếu tố truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đang chịu áp lực lớn.
Hiện nay, nguồn lực dành cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn để triển khai các dự án đổi mới. Những thách thức này đòi hỏi các giải pháp đột phá để khơi thông dòng vốn, đảm bảo nghị quyết được thực thi hiệu quả.
Để đáp ứng yêu cầu này, các cơ quan chức năng đã có những bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số
193/2025/QH15 và trình Chính phủ ban hành Nghị định 88/2025/NĐ-CP. Những văn bản này đưa ra các cơ chế cởi mở, tạo động lực cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia vào các nhiệm vụ khoa học và chuyển đổi số. Đồng thời, Nghị quyết số 196/2025/QH15 của Quốc hội được ban hành nhằm điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, đảm bảo bố trí 3% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, lĩnh vực này hiện có khung pháp lý và nguồn lực đầy đủ nhất so với các lĩnh vực khác. Các quy định pháp lý đã được thiết kế đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển. Bộ Tài chính cũng đang tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán cho các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo nguồn lực triển khai Nghị quyết 57 một cách hiệu quả.

NHNN đã công bố chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Động lực mới từ ngành Ngân hàng
Ngành Ngân hàng đã có những bước đi quyết liệt để thực thi Nghị quyết 57. Tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025” diễn ra gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và các dự án hạ tầng chiến lược như giao thông, điện lực và hạ tầng số. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, 21 ngân hàng đã chuẩn bị nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, thấp hơn ít nhất 1% so với mức cho vay trung và dài hạn thông thường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến này, coi đây là nỗ lực lớn của NHNN và là đóng góp thiết thực cho việc thực thi Nghị quyết 57. Ông yêu cầu các ngân hàng triển khai gói tín dụng với tinh thần “nói là làm, cam kết phải thực hiện”, đảm bảo vốn thực sự đi vào nền kinh tế và mang lại hiệu quả đo đếm được. Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí để hạ lãi suất xuống thấp hơn ít nhất 1,5% so với mức trung bình, đồng thời khuyến khích người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Các ngân hàng như Vietcombank và VIB đã tham gia tài trợ nhiều dự án trọng điểm như Đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, Sân bay quốc tế Long Thành, cũng như các dự án BOT và đường dây 500kV. Đại diện VIB cam kết dành từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng cho gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, trong khi Agribank khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp. Một số ngân hàng thì đề xuất xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích thay vì chỉ áp dụng hình thức cho vay truyền thống, đặc biệt đối với các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận sự đồng thuận của các ngân hàng và nhấn mạnh rằng, gói tín dụng phải được triển khai với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Ông yêu cầu các ngân hàng cân đối nguồn vốn, đảm bảo điều kiện tín dụng nhưng linh hoạt trong cơ chế hỗ trợ về lãi suất và thời hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò dẫn dắt, trong khi các ngân hàng nhỏ cũng được khuyến khích tham gia phù hợp với năng lực.
Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng là một Chương trình hỗ trợ trọng điểm của ngành Ngân hàng Việt Nam, nhằm cung cấp vốn vay ưu đãi cho các dự án đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Với sự tham gia của 21 ngân hàng thương mại, Chương trình hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và giải phóng nguồn lực xã hội. Lãi suất vay thấp hơn ít nhất 1% so với mức thông thường, cùng thời gian vay linh hoạt trung và dài hạn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn và dễ dàng triển khai các dự án chiến lược. Nguồn vốn được huy động từ các ngân hàng tham gia, đã sẵn sàng giải ngân để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Các chuyên gia đánh giá cao gói tín dụng này, cho rằng đây là động lực mới để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, các bộ, ngành và ngân hàng thương mại, cùng các giải pháp đồng bộ đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục tiêu. Chương trình hứa hẹn sẽ tạo bước ngoặt cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Giải pháp toàn diện từ thể chế đến nguồn lực
Để khơi thông dòng vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ. Trước hết, Bộ đang xây dựng Nghị định về đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trình Chính phủ ban hành sớm nhất. Nghị định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia các dự án PPP, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thứ hai, Bộ Tài chính đã và đang rà soát, đề xuất sửa đổi một số luật, bao gồm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm đơn giản hóa thủ tục, phân cấp, phân quyền triệt để. Các sửa đổi này đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và tiếp tục hoàn thiện tại kỳ họp thứ 10, tạo cơ chế thông thoáng cho phát triển khoa học, công nghệ.
Thứ ba, Bộ Tài chính cam kết đảm bảo nguồn lực tài chính cho giai đoạn 2026-2030, với mục tiêu dành 2% GDP cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào năm 2026, và có thể tăng lên 5% GDP theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Việc khuyến khích xã hội hóa nguồn vốn sẽ giúp giảm áp lực lên ngân sách, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và đổi mới.
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính xanh và các nguồn vốn ưu đãi, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản trị và đổi mới sáng tạo.
Mặc dù các giải pháp được đề xuất mang tính toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận rằng việc thực thi Nghị quyết 57 vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm năng lực nghiên cứu còn hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành. Tuy nhiên, với khung pháp lý đồng bộ, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự quyết tâm của các bộ, ngành, chúng ta có cơ sở để lạc quan về triển vọng đạt được các mục tiêu đề ra, hướng tới một nền kinh tế hiện đại và bền vững.