Khởi sắc từ các phong trào thi đua
Phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng' đang lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.

Hội Nông dân huyện Lục Yên giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho hội viên nông dân xã Minh Xuân thực hiện dự án nuôi dê.
Đóng vai trò nòng cốt trong triển khai thực hiện Phong trào, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã chủ động vào cuộc với nhiều giải pháp thiết thực như: tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả.
Đồng thời, hội viên được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có liên kết thị trường. Nhờ đó, ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao được hình thành và phát triển. Nhiều tấm gương nông dân điển hình, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cống hiến cho cộng đồng.
Chị Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Chè Suối Giàng là một trong những điển hình tiên phong xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ vươn xa thị trường trong và ngoài nước. Chị được vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.
Chị Thoa cho biết: "Tôi mong muốn chè Suối Giàng không chỉ là đặc sản địa phương mà còn trở thành thương hiệu quốc gia, mang lại thu nhập bền vững cho bà con dân tộc Mông nơi đây”.
Một điển hình khác là ông Nguyễn Ngọc Thắm ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên - "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024 - người đã phát triển hơn 22ha quế kết hợp kinh doanh xăng dầu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Với tâm niệm "làm giàu phải gắn với trách nhiệm cộng đồng”, ông Thắm luôn tích cực đóng góp cho các hoạt động xây dựng quê hương.
Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Mỗi năm, gia đình anh nuôi 3 lứa, mỗi lứa từ 20 - 30 con, xuất bán được 5 - 6 tấn lợn hơi, thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ chi phí. Từ chỗ là hộ nghèo, nay gia đình anh đã có cuộc sống ổn định, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nơi vùng cao khó khăn.
Hiện tại, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” không chỉ dừng lại ở những mô hình hộ sản xuất cá thể mà còn mở rộng ra các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng quế Văn Yên, chè Suối Giàng, trồng dâu nuôi tằm ở các huyện Văn Chấn, Trấn Yên...
Cùng với đó, Phong trào còn tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã tình nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, nhà văn hóa…, góp phần đưa toàn tỉnh có 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024, trong đó nhiều xã đạt chuẩn nâng cao.
Có thể khẳng định, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” không đơn thuần là một cuộc vận động mà đã trở thành phong trào hành động sâu rộng, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Để Phong trào tiếp tục lan tỏa rộng khắp, thời gian tới, các cấp Hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả gắn với phát triển kinh tế tập thể, chuyển đổi số, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn, giống, học nghề cho nông dân.
Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 72.000 hộ hội viên đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 39.066 hộ đạt danh hiệu, chiếm 53,8%. Nhiều mô hình đạt doanh thu từ 300 triệu đến 2 tỷ đồng mỗi năm, đặc biệt là những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đáng chú ý, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giải ngân trên 6.350 tỷ đồng cho 750 lượt hội viên vay vốn. Đây là nguồn lực quan trọng để người nông dân mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/349836/khoi-sac-tu-cac-ph111ng-trao-thi-dua.aspx