Khơi nguồn sáng tạo đô thị Thủ đô
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đã và đang đóng góp vào việc thay đổi diện mạo của Thủ đô, không chỉ về hình ảnh thương hiệu của thành phố mà còn đem lại những tác động cụ thể về kinh tế, văn hóa, và xã hội.
Khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo
Năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế Sáng tạo. Với tính chất là một đô thị loại đặc biệt, đồng thời, với vai trò là thành phố độc đáo về thiết kế sáng tạo trong bối cảnh sáng tạo toàn cầu, Hà Nội cần phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về kiến trúc, cảnh quan đô thị, có cơ cấu lao động phù hợp với mục tiêu phát triển, và đặc biệt là thể hiện vai trò thúc đẩy công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế sáng tạo.
Trên bước đường chứng tỏ và khai mở tối đa tiềm năng phát triển trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội cho đến nay là một minh chứng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp văn hóa của thành phố ở thời kỳ mới, giúp thay đổi diện mạo thành phố, thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời giữ vị thế là thành phố tiên phong sáng tạo của cả nước.
Tại Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại” diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, TS, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, Hà Nội không có các di tích kiến trúc đồ sộ, nhưng lại có nhiều di tích phong phú đa dạng về loại hình, trong đó phải kể đến các di sản kiến trúc đô thị. “Di tích kiến trúc là những bằng chứng vật chất và tinh thần về truyền thống lịch sử, văn hóa, phản ánh đời sống, cách ứng xử của con người với thiên nhiên, với xã hội”, KTS Nguyễn Hoàng Tuân chia sẻ
Theo GS, KTS Hoàng Đạo Kính, Hà Nội có di sản kiến trúc độc đáo và riêng biệt, đó là sự giao thoa kiến trúc châu Âu kết hợp phương Đông, tạo ra hình thái kiến trúc là kiến trúc Đông Dương. Các lễ hội thiết kế sáng tạo tổ chức đã góp phần gợi mở cho cho Thủ đô trong việc bảo tồn, phát huy và sử dụng những di sản kiến trúc này sao cho hiệu quả. Điều này không chỉ góp tạo ra không gian sống mới mẻ cho người dân mà còn khẳng định thương hiệu “Hà Nội – Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực kiến trúc.
Biến di sản kiến trúc thành điểm hút khách
Qua 3 mùa, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đều lựa chọn địa điểm tổ chức tại những không gian di sản đặc biệt của Hà Nội, qua đó “đánh thức” những di sản của thành phố. Điều dễ nhận thấy, các lễ hội đã phần nào góp phần cải tạo không gian đô thị của thành phố. Lễ hội đã tận dụng nhiều không gian di sản thú vị còn “ẩn giấu” và biến chúng thành những điểm nhấn thu hút đông đảo người dân, như Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu…
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 tiếp tục “chạm” đến di sản kiến trúc đô thị của Thủ đô. Qua bàn tay thiết kế của cộng đồng thiết kế, sáng tạo Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) được biến thành một “bảo tàng ký ức" và một sân chơi sáng tạo sống động, thu hút không chỉ trẻ em mà cả các bạn trẻ, những người trưởng thành trở về với những ký ức ngây thơ và thỏa sức khám phá, sáng tạo qua hàng loạt các hoạt động triển lãm, workshop… Không gian Bắc Bộ Phủ hay Nhà khách Chính phủ (quận Hoàn Kiếm) cũng trở thành một điểm sáng trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 để công chúng Thủ đô ghé thăm, lần đầu thưởng thức di sản chưa từng được mở cửa rộng rãi này.
Theo kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc mở cửa những không gian di sản chưa từng được đón khách tham quan hay ít ai biết tới, cho thấy, lễ hội đã gợi mở tư duy trong việc kết nối di sản, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút du khách. Số lượng khách tham dự lễ hội tăng từng năm cho thấy sức hút của lễ hội cũng như sự vận dụng đúng đắn những sáng tạo trong thiế kế đô thị của Thủ đô.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2023 thu hút 60.000 khách tham gia trải nghiệm thì Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024 chỉ trong 2 ngày diễn ra đã thu hút 30.000 lượt khách. Nhiều không gian tưởng chừng như ít người biết tới, chẳng mấy khi tới thăm, ví dụ khu xưởng nằm sâu trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành nơi truyền cảm hứng cho cộng đồng sáng tạo năm 2023. Hay Trường Đại học Tổng hợp; tòa nhà Bắc Bộ Phủ… có sức hút đột biến tại Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024.
Có thể thấy, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đang từng bước giải được bài toán khó trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa giải trí cộng đồng, cũng như giải quyết phần nào vấn đề thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng của dân cư đô thị. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) chia sẻ, cùng với nhiều hoạt động sáng tạo khác, Lễ hội thiết kế sáng tạo đang góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu Hà Nội - “Thành phố Sáng tạo”. Lễ hội đã giúp nâng tầm hình ảnh cho Hà Nội, giúp Hà Nội khẳng định vị thế là một thành phố sáng tạo, năng động và có sức hút.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-nguon-sang-tao-do-thi-thu-do-684473.html