Khởi nghiệp: Vốn hay ý tưởng là lợi thế?

Tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum – VOBF 2019), trong phiên thảo luận thứ 4 bàn về khởi nghiệp, nhiều câu chuyện thú vị đã được đề cập xoay quanh những cơ hội và thách thức khi các startup kêu gọi quỹ đầu tư, cùng những khó khăn mà họ gặp phải trong chặng đường chinh phục thị trường để trở thành người dẫn đầu trong một xu hướng khởi nghiệp.

Công bố Chỉ số Thương mại điện tử 2019: Tăng khoảng cách số giữa các địa phương

Vậy đâu mới là yếu tố quyết định giúp các nhà khởi nghiệp có thể gặt hái được thành công và trở thành những Unicorns mới của Việt Nam? Trong cuộc chơi nhiều cơ hội và thách thức này, ngoài ý tưởng sáng tạo, các nhà khởi nghiệp cần môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ nào từ nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp? Liệu “vốn” hay “ý tưởng” mới là lợi thế để các startup có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường?

Trao đổi tại diễn đàn, ông Phạm Kim Hùng – Founder&CEO của Base.vn, một startup công nghệ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm trở lại đây cho rằng: Startup giai đoạn đầu nên tập trung vào việc phát triển sản phẩm thay vì các chiến lược marketing hoặc tiếp thị. Bạn phải tạo ra một sản phẩm thực sự tốt, có khả năng giải quyết được các bài toán mà khách hàng đang gặp phải hoặc đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở một lĩnh vực nhất định. Điều này không có nghĩa là marketing hay các chiến lược bán hàng không quan trọng, nhưng nó sẽ được xếp ở vị trí ưu tiên trong những giai đoạn tiếp theo.

Ông Phạm Kim Hùng - Founder&CEO của Base.vn

Ông Phạm Kim Hùng - Founder&CEO của Base.vn

“Ở Base cũng vậy, với đặc thù là một công ty công nghệ chuyên xây dựng các sản phẩm B2B, chúng tôi cần đầu tư rất nhiều thời gian cho việc phát triển sản phẩm, thậm chí sản phẩm luôn là điều cốt lõi và là thứ được ưu tiên dù ở bất kỳ thời điểm nào. Chúng tôi tập trung để sản phẩm hoàn hảo từ những chi tiết nhỏ nhất, và chú trọng vào việc làm sao để nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Quan trọng là chúng tôi chứng minh được cho các quỹ đầu tư thấy điều đó, rằng chúng tôi làm mọi thứ vô cùng tâm huyết và nghiêm túc cũng như tin tưởng tuyệt đối vào sứ mệnh của mình. Tôi nghĩ đó là điều giúp chúng tôi thuyết phục các nhà đầu tư và thực tế thì đã có những thương vụ chúng tôi đàm phán thành công chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ.”

“Thêm nữa, startup muốn thuyết phục được các nhà đầu tư không có cách nào khác là phải chứng minh được sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh và tính khả thi của dự án, thậm chí chúng ta phải tăng trưởng kể cả khi KHÔNG CÓ tiền đầu tư, chứ không phải đợi có tiền đầu tư rồi mới tăng trưởng. Đó là con đường đúng đắn, dù tôi biết điều đó thực sự khó khăn. Nhưng hãy tạo ra doanh thu từ chính hoạt động kinh doanh của bạn, sử dụng tiền của bạn kiếm được, tốt hơn nhiều so việc trông chờ tiền từ các quỹ đầu tư, đặc biệt trong những giai đoạn đầu tiên.” - ông Phạm Kim Hùng chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm với ông Hùng, trong phiên thảo luận, Shark Vương cũng cho rằng: “Một ý tưởng hay có thể thuyết phục được nhà đầu tư, không phải là ý tưởng mà bạn nghĩ là nó hay, hoặc bạn nói là nó hay, nó không đến từ cách bạn nói, mà đến từ những gì bạn làm. Bạn phải chứng minh được bằng các con số thực tế, và cho người khác thấy được tính khả thi của dự án, tiềm lực phát triển của công ty trong tương lai, chứ không chỉ là những bánh vẽ hoàn hảo.”

Đặc biệt trong giai đoạn đầu tiên, startup không nên kêu gọi tiền đầu tư từ các quỹ hay các nhà đầu tư bên ngoài, mà nên tận dụng tốt nguồn lực nội tại của chính bản thân và doanh nghiệp, có thể là gia đình, người thân, bạn bè, phương thức này khá phù hợp với văn hóa kinh doanh ở Việt Nam - Shark Vương nói thêm.

Chủ đề khởi nghiệp được bàn tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019

Chủ đề khởi nghiệp được bàn tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019

Trong phần chia sẻ, ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng các quỹ đầu tư quốc tế họ sẽ chỉ quan tâm đến những startup tiềm năng có thể dẫn đầu và chiếm lĩnh được thị trường, ít nhất là 30% thị phần, thay vì chúng ta nhắm vào một sản phẩm rất phổ biến có thị trường rộng lớn, nhưng lại chỉ chiếm được 1% thị phần trong đó.

Đó cũng là lý do khiến SaaS là một cơ hội rộng mở, bởi ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ các doanh nghiệp sử dụng phần mềm SaaS chỉ ở mức 5% thấp hơn nhiều so với thế giới. Và không khó để thuyết phục các nhà đầu tư nhắm vào thị trường này.

Thực ra việc kêu gọi đầu tư không phải là một thách thức quá lớn, khi bạn thực sự tin vào cơ hội của chính doanh nghiệp mình. Hãy thành thật và trung thực đặt câu hỏi: Liệu startup của mình có đáng để đầu tư và có thể trở thành người dẫn đầu trong một phân khúc thị trường hay không? Và việc kêu gọi được vốn đầu tư không phải là điều gì quá lớn lao, đó chỉ là bắt đầu. Startup là một “cuộc phưu lưu” đường dài, trong nhiều năm, cho một sứ mệnh mà bạn coi đó cũng chính là mục tiêu của cả cuộc đời mình....

Bên cạnh chủ đề về khởi nghiệp, các chủ đề khác cũng được trao đổi và thảo luận sôi nổi tại diễn đàn như: “Bùng nổ mua sắm online”, thảo luận về xu hướng thị trường thương mại điện tử sẽ mở rộng mạnh mẽ; “Thời gian là vàng” bàn về các giải pháp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử trong thời đại nhiều người tiêu dùng mong muốn nhận được sản phẩm đặt mua trực tuyến trong thời gian tính bằng giờ; “Sự nổi lên của AI” trao đổi về tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tới mọi doanh nghiệp.

Vân Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-nghiep-von-hay-y-tuong-la-loi-the-117479.html