Khói lam chiều: Một biểu trưng yên bình của làng quê Việt
'Khói lam chiều' là gì nhỉ? Đó cũng chỉ một loại khói thôi mà! Nhưng với bất cứ ai đã từng sinh sống ở miền quê thì đây là một hình ảnh không thể nào quên được.
Khói - “chất khí có màu trắng đục bốc lên từ vật đang cháy”. Đúng quá, “không có lửa làm sao có khói”. Khi bắt lửa, củi đóm, rơm rạ, đồ phế thải (nhựa, cao su) đều cháy và bốc khói. Nhưng “khói lam” và “khói lam chiều” thì lại là một loại khói rất đặc thù. “Lam” là “màu xanh đậm hơn màu da trời”.
“Khói lam chiều” chính là “khói có màu lam bốc lên vào buổi chiều”. Chúng ta thấy, ở nông thôn, vào lúc chiều tà, bà con mới ở đồng về và lúc ấy mới hối hả lo cho bữa tối. Phải xem thùng gạo còn không (hết thì phải xay giã). Nếu còn thì chạy ào ra ruộng hái rau. Rau muống sau mưa mùa này xanh tốt và non chanh. Dĩ nhiên, phải xem “cái đun” còn không nữa chứ. Cái đun chủ yếu là rơm, rạ chứ củi thì ít lắm. Có gạo, có rau, có rạ là có thể “nổi lửa lên em” được rồi.
Giúi đon rạ nhỏ vào đống rấm (ụ ủ tro rạ rơm cháy âm ỉ để giữ lửa) cho lửa bùng lên. Đưa rạ bén cháy vào đáy nồi đặt trên ông đầu rau (hoặc kiềng), thế là công việc “thổi cơm” bắt đầu. Khói từ rơm rạ bốc mù mịt lên gác bếp. Nó lan tỏa khắp vùng chái bếp (vốn không rộng gì) rồi len lỏi, quyện thành từng cuộn xung quanh mái rạ rồi nhẩn nha bay lên. Trong ánh hoàng hôn nhá nhem, hình ảnh khói lam từng cuộn bốc từ mái nhà gianh thôn xóm (nhất là lúc sau mưa, mái rạ còn thẫm ướt, khói chưa thể thoát nhanh, cứ “lưu luyến” mãi), đã làm nên hình ảnh khói lam chiều rất ấn tượng, vô cùng đặc biệt. Nó vừa là hình ảnh thực, vừa là hình ảnh đặc trưng rất lãng mạn. Khói lam chiều biểu trưng cho nét yên bình, thân thương và đáng yêu của làng quê Việt Nam.
Có lửa, có khói lam chiều là sẽ có một bữa cơm buổi tối giản dị, ngon lành, đầm ấm. Trong ánh đèn dầu đủ cho mọi người trong nhà nhìn thấy nhau, thấy mâm cơm đạm bạc bày ra. Một cái mâm gỗ trong đó thường có đĩa rau, bát nước rau hay bát canh, một bát nước chấm (tương, mắm tép, nước mắm, xì dầu), thêm một món mặn (cà nén hay cá đồng kho thì thật tuyệt). “Cơm thơm ăn với cá kho” ngon hơn mọi thứ cao lương mĩ vị trên đời này.
Ngày xưa, hồi đi bộ đội hay đi học ở xa, mỗi khi đi tắt cánh đồng về đến gần làng lúc trời sẩm tối, xa xa nhìn thấy lô nhô những mái nhà lợp rạ, bên cạnh là những bụi tre, thấp thoáng bóng cau vút cao và đặc biệt, những làn khói màu lam lan tỏa trên mái bếp, là tôi thấy lòng rạo rực và rộn lên một cảm xúc khó tả. Đó là hình ảnh thân thương, máu thịt của quê mình.
Nắng dừng trước cửa
Lúc nào không hay
Đã nghe khói bếp
Nhà ai thơm bay.
(Trần Đăng Khoa)
Tình yêu Quê hương là một tình cảm lớn lao được vun đắp từ những nhớ thương nho nhỏ.
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội ngôn ngữ học Việt Nam)