KHƠI GỢI 'LỬA NGHỀ'
77 nghệ nhân trên cả nước có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống vừa được vinh danh Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT).
Việc vinh danh chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân với cống hiến to lớn của những người được ví như "báu vật nhân văn sống".
Nghề thủ công ở nước ta có truyền thống từ lâu đời, có nghề lịch sử hàng trăm năm, nghìn năm, như: Gốm Chu Đậu (Hải Dương), tơ lụa Vạn Phúc (Hà Nội), kim hoàn Châu Khê (Hải Dương), đồng Đại Bái (Bắc Ninh), thêu Quất Động (Hà Nội)... Từ xa xưa, những nghệ nhân chế tác ra các sản phẩm không chỉ dừng ở việc tiêu dùng, sử dụng trong nước, mà các sản phẩm tiêu dùng, mỹ nghệ tinh xảo ấy đã theo những chuyến tàu vượt biển đi đến rất nhiều nước trên thế giới, trở thành “sứ giả” giao thương, giúp thế giới hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có gần 66.000 cơ sở sản xuất hàng TCMN (trong đó có 81 làng nghề sản xuất hàng TCMN được công nhận) thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia, với thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/tháng, cao gấp hơn hai lần lao động thuần nông. Các ngành nghề TCMN đóng vai trò rất lớn trong hoạt động kinh tế; thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, sản phẩm TCMN Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp tăng nguồn thu ngoại tệ, phát triển du lịch; đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Và chính các nghệ nhân là hồn cốt trong phát triển làng nghề; là những người trao truyền, gìn giữ tinh hoa nghề truyền thống của cha ông, để mang đến những sản phẩm TCMN đầy sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao cho xã hội. Họ có đóng góp quan trọng đưa các sản phẩm TCMN tinh xảo mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, đưa Việt Nam vào top 3 các nước về xuất khẩu hàng TCMN. Nhiều sản phẩm của các làng nghề TCMN đã được chọn làm quà tặng của Chính phủ tới nguyên thủ các nước khi đến thăm Việt Nam, phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Để có những sản phẩm làng nghề vươn đến thương hiệu quốc gia, quốc tế, những nghệ nhân, người thợ đã phải đối mặt với không ít khó khăn trước những thách thức của cơ chế thị trường. Thậm chí không ít làng nghề đã phải đối diện với bài toán tồn tại hay không tồn tại. Trong lúc cam go như thế, những nghệ nhân, những người giữ vai trò hồn cốt của làng nghề đã không bỏ cuộc khi dùng hết tâm huyết, trí tuệ, sức lực, tìm mọi cách níu giữ giá trị, tinh hoa nghìn đời của cha ông, của dân tộc. Điển hình như nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông ở Thuận Thành (Bắc Ninh), người đã dành tâm huyết cả cuộc đời để mày mò nghiên cứu, phục dựng thành công dòng gốm quý tộc Luy Lâu-nguyên liệu xây dựng nên những đền đài, cung điện, tác phẩm trang trí nghệ thuật sau 300 năm thất truyền; nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế không chỉ góp sức hồi sinh lại dòng tranh nức tiếng, tạo nên điểm du lịch trải nghiệm văn hóa làng nghề cho du khách trong và ngoài nước, mà còn có công hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp...
Giữ làng nghề, phát triển làng nghề không đơn giản chỉ là lo đầu ra cho sản phẩm, mà nằm ở chính việc những nghệ nhân được ứng xử đúng với vai trò giữ “dòng chảy” của làng nghề truyền thống. Cùng với việc vinh danh, tiếp tục vinh danh nghệ nhân, cần có các chính sách hỗ trợ xứng đáng với các nghệ nhân, tạo cơ hội tương tác giữa chính quyền với nghệ nhân, hỗ trợ làng nghề TCMN liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề TCMN, tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy tài năng; luôn khơi gợi trong họ “lửa nghề” để họ tiếp tục cống hiến, tiếp tục truyền dạy và tiếp tục cùng với lớp trẻ sáng tạo nhiều thêm những sản phẩm TCMN tinh xảo, đặc trưng; để ngành TCMN Việt Nam ngày càng phát triển, tiếp tục đóng góp lớn vào nền kinh tế, văn hóa của đất nước.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/khoi-goi-lua-nghe-647002