Khói đốt đồng gây tai nạn: Trách nhiệm thuộc về ai?
Tài xế đi vào khu vực có khói phải bật đèn chiếu sáng, bấm còi liên tục để cảnh báo các phương tiện khác và gọi cho đường dây nóng để xử lý
Vụ va chạm liên hoàn trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai vào chiều 3-4 khiến 4 người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng, 10 ô tô hư hỏng nặng. Nguyên nhân của vụ tai nạn được cho là do người dân đốt đồng gây khói dày đặc uy hiếp đường cao tốc khiến tài xế mất tầm nhìn. Vụ tai nạn này đã cảnh báo về sự mất an toàn trên các cao tốc và nhiều vấn đề pháp lý mà các cơ quan liên quan cần giải quyết.
Lại đốt đồng gần cao tốc Dầu Giây
Trưa 4-4, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), cho biết sau vụ việc, đơn vị đã tăng cường kiểm soát, tuyên truyền phòng việc xảy ra tương tự vụ đốt cỏ để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, kiểm tra phát quang cỏ cây, chướng ngại ở những khu vực hành lang cao tốc.
Tuy nhiên, trong khi các đơn vị liên quan tiếp tục giải quyết hậu quả của vụ tai nạn thì lúc 14 giờ 30 phút ngày 4-4, xung quanh khu vực hành lang cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây lại xảy ra một vụ đốt đồng khiến đám khói bốc khá cao, ảnh hưởng tầm nhìn, khiến người tham gia giao thông lo ngại.
Bà Phương xác nhận vụ đốt đồng gây khói diễn ra trên địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, bên cạnh hành lang cao tốc cách cầu Long Thành khoảng 4 km về phía TP HCM. Tuy nhiên, theo bà Phương, địa điểm người dân đốt đồng cách khá xa hành lang cao tốc, các đội tuần tra đã có mặt kiểm soát và nhắc nhở, tuyên truyền đến bà con. "Dù vị trí người dân đốt đồng ở cách khá xa hơn hôm qua, nhưng thường thì không thể đoán trước hướng khói. Đây cũng là một điểm người dân đốt đồng chứ không phải bà con đốt tràn lan. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải liên hệ với địa phương để nhận được sự phối hợp, hỗ trợ để kiểm soát tình hình" - bà Phương nói.
Trách nhiệm của địa phương?
Chiều 4-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc làm sao để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ, nương rẫy đe dọa an toàn của cao tốc trên cả nước, ông Đỗ Chí Chung - Chánh văn phòng Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho rằng trách nhiệm là của chính quyền địa phương.
"Chúng tôi chỉ có thể quản lý trên cao tốc, còn ngoài phạm vi cao tốc là do địa phương quản lý" - ông Chung cho hay. Theo Chánh văn phòng VEC, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân dọc hai bên cao tốc, ý thức PCCC khi đến mùa thu hoạch cũng như trong mùa khô.
"VEC sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để tuyên truyền, tổ chức đốt rạ có kiểm soát theo nhu cầu của người dân. Đồng thời, phát quang dọn cỏ và cảnh báo khói ảnh hưởng tầm quan sát của người tham gia giao thông qua các biển báo VMS và các kênh VOV Giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam" - ông Chung cho biết.
Về các kịch bản ứng phó khi xảy ra các tình huống tương tự, lãnh đạo VEC cho biết bên cạnh thường xuyên cảnh báo, kiểm soát hằng năm; qua hệ thống camera giám sát truyền về trực tiếp, nếu phát hiện nguy cơ đe dọa an toàn cao tốc, các bộ phận sẽ lập tức thông báo để nhân viên các trạm thu phí báo cho hành khách, cùng với các hệ thống, các kênh khác để báo cho tài xế đồng thời triển khai tác chiến ngay việc khắc phục. Bà Phương cho biết hiện có nhiều ý kiến về trách nhiệm các bên liên quan, công an cũng đang điều tra làm rõ, nhưng có thể thấy đầu tiên là do sự cố xảy ra, việc tăng cường tuần tra kiểm soát, phối hợp tuyên truyền là rất quan trọng, hệ thống cảnh báo, xử lý cũng phải hoàn thiện hơn.
Trong ngày 4-4, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cũng có báo cáo liên quan trong đó nêu một phần nguyên nhân tai nạn xảy ra cùng trong sự cố là do các tài xế không giữ được khoảng cách an toàn, các xe phía sau trong lúc tiếp tục di chuyển và chuyển làn trong đám khói đã tông vào các xe phía trước.
Tài xế cần cẩn trọng
Anh Nguyễn Văn Tuấn, tài xế có kinh nghiệm gần 25 năm lái xe tải nặng trên địa bàn TP HCM, cho biết: "Các tài xế cũng đã được học cách phòng tránh khi có chướng ngại vật. Việc người dân đốt đồng tạo thành khói được coi là chướng ngại vật và tài xế phải xử lý để bảo đảm an toàn cho xe mình và các phương tiện tham gia giao thông khác".
Theo tài xế Tuấn, khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, tài xế phải điều khiển phương tiện đến địa điểm an toàn gần nhất để dừng phương tiện, đồng thời ra tín hiệu báo cho các phương tiện khác biết để phòng tránh. Nếu đi vào khu vực có khói phải bật đèn chiếu sáng, bấm còi liên tục để cảnh báo các phương tiện, vượt qua đám khói và gọi cho đường dây nóng để xử lý. Việc tài xế thấy khói nhưng vẫn cho phương tiện lưu thông là vô cùng nguy hiểm do phương tiện lưu thông với tốc độ cao nên máy rất nóng và dễ tạo thành đám cháy...
Nhiều nước đau đầu vì đốt đồng
Trước những rủi ro từ việc đốt đồng, chính quyền một số nước đã ban hành nhiều biện pháp đối phó từ cho phép đốt có kiểm soát đến hạn chế nghiêm ngặt.
Tại bang Virginia - Mỹ, việc đốt đồng bị cấm sau 16 giờ trong thời điểm từ ngày 15-2 đến 30-4 mỗi năm nếu đám cháy nằm trong hoặc cách đất rừng, vùng có nhiều bụi cây hay bãi cỏ khô và nơi có các vật liệu dễ cháy khác khoảng 91 m. Quy định áp dụng đối với các hình thức đốt lửa trại, củi khô, lá, rác thải gia đình, gốc cây, đồng ruộng hoặc bất cứ thứ gì có khả năng khiến đám cháy lan rộng. Trong trường hợp khác hồi cuối tháng 3 ở TP Myrtle Beach, bang Nam Carolina, việc đốt đồng gần đường cao tốc được phép diễn ra nhưng có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Tại Ấn Độ, tình trạng nông dân đốt rơm mỗi năm gây hậu quả nghiêm trọng. Dù bị xem là bất hợp pháp nhưng nông dân ở bang Punjab vẫn chọn cách đốt rơm bởi những phương án thay thế khác là không khả thi hoặc tốn kém. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia Ấn Độ đã phát triển công nghệ EnergyHarvest giúp biến đổi rơm thành năng lượng sinh học, nhằm dễ xử lý, lưu trữ và vận chuyển hơn. Tương tự Ấn Độ, việc đốt đồng bị xem là bất hợp pháp ở Indonesia từ năm 2005 nhưng điều này vẫn không khiến người dân chấp hành nghiêm chỉnh. Chính quyền Indonesia tích cực tuyên truyền người dân về những mối đe dọa từ việc đốt đồng, song song thúc đẩy ngành công nghiệp thu gom, xử lý và tái chế rác thải.