Khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM và 2 cao tốc trục ngang

Sáng 18/6, UBND TPHCM, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TPHCM với các điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk.

Tại điểm cầu TPHCM, đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công 3 dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại đầu cầu TP.HCM.

Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước chúng ta chỗ nào phát triển hạ tầng chiến lược tốt thì tốc độ phát triển rất nhanh. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, 20 năm tập trung phát triển hạ tầng là 20 năm nước bạn có tốc độ phát triển 2 con số trở lên.

Theo Thủ tướng, hôm nay, khởi công 3 Dự án quan trọng quốc gia gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, với chiều dài 76 km (TMĐT hơn 75 nghìn tỷ); dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài 53,7km (TMĐT hơn 17,8 nghìn tỷ); dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, chiều dài 117km (TMĐT hơn 21,9 nghìn tỷ).

Thủ tướng Chính phủ bấm nút khởi công dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Tổng chiều dài của 3 tuyến là 247km; tổng vốn đầu tư của 3 dự án hơn 115 nghìn tỷ, được đồng loạt tổ chức khởi công tại 3 điểm cầu: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk. Đây là chuỗi các dự án trọng điểm ngành giao thông được khởi công trong tháng 6 này (ngày 17/6 khởi công dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); ngày 25/6 là dự án đường vành đai 4 - Vùng Hà Nội với chiều dài trên 112km, (TMĐT hơn 85 nghìn tỷ); cao tốc Cao Lãnh - An Hữu với chiều dài 27km, (TMĐT trên 5,8 nghìn tỷ) nối 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, kết nối 2 tuyến cao tốc huyết mạch của vùng ₫ồng bằng Sông Cửu Long.

Để công trình đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao tập trung quyết liệt chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch khoa học, đảm bảo chất lượng, an toàn trong thi công. Đồng thời đảm bảo thông suốt, an toàn môi trường cho người dân trong vùng dự án. Các nhà thầu phải đảm bảo đầy đủ thiết bị, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong thi công; các cơ quan quản lý, bộ, ngành liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu bám sát thực tiễn dự án; chính quyền vào cuộc kiểm tra xây dựng chủ trương, kế hoạch; huy động lực lượng để giải quyết vướng mắc phát sinh; đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, không đội vốn bất hợp lý.

Sơ đồ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Báo cáo tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội. Dự án có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương, trong đó TP. HCM với 47,35km; các tỉnh Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km. Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, TP.

Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h; đường song hành hai bên, cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên, đầu tư không liên tục. Với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng xe cao được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15. Dự án có chiều dài khoảng 53,7km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km; Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km), trong đó điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Biên Hòa, vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5km (cách điểm giao giữa tuyến tránh Biên Hòa với Quốc lộ 51 khoảng 1,5km); điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chủ tịch TP.HCM ông Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ.

Trong giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, trong đó đoạn 1 từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành và đoạn 3 từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75 - 27,00m; đoạn 2 từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 32,25 - 34,5m. Trong giai đoạn hoàn thiện sẽ thực hiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe cao tốc. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.837 tỷ đồng được đầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, được chia làm 3 dự án thành phần.

Sau khi hoàn thành, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ kết nối với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, dài khoảng 117,5km, kết nối hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk. Tuyến đường được chia làm ba dự án thành phần, phân cấp cho Bộ Giao thông Vận tải và hai địa phương tuyến đi qua thực hiện.

Phối cảnh Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).

Dự án bắt đầu từ nút giao quốc lộ 26B - quốc lộ 1 (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) và kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh, phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Công trình được xây dựng trước 4 làn xe, rộng 17m, dự kiến khai thác năm 2027. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ tạo trục ngang liên kết khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường ven biển... góp phần thúc đẩy phát triển vùng.

PHA LÊ - XUÂN TRƯỜNG

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/khoi-cong-du-an-dau-tu-xay-dung-duong-vanh-dai-3-tphcm-va-2-cao-toc-truc-ngang-20230618140012.htm