Khởi công cầu bắc qua sông Đồng Nai: Khơi thông kết nối vùng

Ngày 27/12, tại xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Đây là công trình cấp thiết nối liền xã Bạch Đằng (Tân Uyên - Bình Dương) với xã Bình Lợi (Vĩnh Cửu - Đồng Nai) giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông giũa 2 đại phương với nhau và lưu thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam được thuận lợi hơn.

Nghi thức khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng 2 nối liền Bình Dương với Đồng Nai.

Hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) là được xác định là dự án trọng điểm của 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Khi hoàn thành, cầu sẽ kết nối hai trục đường huyết mạch ĐT747 (thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với ĐT768 (thuộc huyện Vĩnh Cứu, tỉnh Đồng Nai), tạo thuận lợi rất lớn cho việc lưu thông hàng hóa, trao đổi nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nhất là trong vùng dự án. Đồng thời công trình cũng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng 2.

Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên, hai tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai, việc lưu thông qua lại hiện nay thông qua một số cây cầu trên các tuyến như cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1), cầu Hóa An (Quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên Vành đai 4, vị trí các cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông giữa hai tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng, nhất là kết nối giữa trung tâm thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh, đặc biệt là 2 thành phố, trung tâm chính trị hành chính, kinh tế lớn Thủ Dầu Một và Biên Hòa, vài cầu nói trên chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng nhanh trong tương lai. Việc xây dựng thêm các cầu qua sông Đồng Nai là một trong những nội dung cần ưu tiên làm ngay để từng bước phát triển hoàn chỉnh mạng lưới giao thông và giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương nói riêng và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai tặng hoa chúc mừng Lễ khởi công cho Ban Quản lý công trình giao thông tỉnh Bình Dương.

Theo ông Vương Thế Hùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Bình Dương thì: dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai là kết quả thống nhất tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở thống nhất phương án đầu tư của 2 tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và tổ chức lập báo cáo chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới cầu qua sông Đồng Nai.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, cầu Bạch Đằng 2 không chỉ là công trình mơ ước của người dân địa phương nơi có cầu mà còn có tính liên kết vùng. Ngoài cây cầu vừa khởi công, UBND hai tỉnh còn tính toán để triển khai nhiều công trình nữa để kết nối Đồng Nai, Bình Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng cầu nối Đồng Nai với Bình Dương.

Trước mắt, Bình Dương sẽ làm đường nối cầu Bạch Đằng 1 và cầu Bạch Đằng 2 thuộc địa phận Tân Uyên, Đồng Nai cũng sẽ làm đường dẫn từ cầu tới hương lộ 7, triển khai đường Vành đai 4 đia qua địa bàn nhằm phát huy hiệu quả của dự án. Trong tương lai, mạng lưới giao thông liên vùng được kết nối sẽ tạo ra các trục giao thông thuận tiện cho lưu chuyển hàng hóa, phương tiện từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Tây Ninh tới Đồng bằng Sông cửu Long tới sân bay Long Thành và các cảng đường sắt đường thủy.

Đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình

Cầu bắc qua sông Đồng Nai có tên gọi cầu Bạch Đằng 2 được xây dựng tại xã Bạch Đằng thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án là công trình giao thông cấp 2 có quy mô chiều dài toàn tuyến gần 950m, trong đó phần cầu dài hơn 400m, phần đường dẫn đầu cầu dài gần 545m. Cầu được kết cấu bằng dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng với sơ đồ nhịp 60+3 x 90+60m. Mặt cắt ngang 17,5m bố trí cho 4 làn xe chạy, phân cách giữa bằng vạch sơn, bố trí lề bộ hành khác mức, gờ chắn bánh và lan can.

Cầu Bạch Đằng 2 sẽ nhanh chóng nối liền 2 bờ sông Đồng Nai.

Ngoài ra, phần đường đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng, rộng 17,5m bố trí cho 4 làn xe, phân cách giữa bằng vạch sơn, lề đường gia cố, lề đất. Tổng mức đầu tư dự án gần 500 tỷ đồng (bao gồm xây lắp, giải phóng mặt bằng và chi phí khác) từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Công trình do liên danh nhà thầu Cienco4 và Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư 492 thực hiện với thời gian thi công dự kiến 450 ngày.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị chủ đầu tư là Ban quản lý Công trình giao thông cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật. Đặc biệt, đây là dự án trọng điểm của 2 địa phương, nên cần có phương pháp làm việc khoa học, báo cáo và xin ý kiến các vấn đề phát sinh để lãnh đạo 2 tỉnh có chỉ đạo kịp thời, đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Đối với các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần xác định rõ đây là công trình quan trọng, có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Do đó cần huy động các trang thiết bị hiện đại, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để thực hiện dự án bảo đảm an toàn lao động, tiến độ thi công, nhanh chóng hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Kịp thời đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Khi công trình hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho người dân Đồng Nai đi lại, tạo kết nối đến các tỉnh thành lân cận và sân bay Long Thành; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án nếu có vướng mắc phải phản ánh lên lãnh đạo 2 tỉnh để có hướng xử lý kịp thời, bảo đảm tiến độ thi công và đưa vào vận hành sử dụng đạt hiệu quả cao nhất.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/khoi-cong-cau-bac-qua-song-dong-nai-khoi-thong-ket-noi-vung-323140.html