'Khoảng trống' y tế cơ sở
Theo Bộ Y tế, Việt Nam chỉ có 10 bác sĩ cho 10.000 dân. Tỷ lệ này quá thấp so với Australia (36), Pháp (34), Trung Quốc (22)..., thậm chí chúng ta đang thiếu trầm trọng bác sĩ đa khoa tại trạm y tế cơ sở khi chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân (tỷ lệ chung của thế giới là 3 bác sĩ/10.000 dân).
Trước thực trạng trên, Sở y tế nhiều tỉnh, thành phố buộc phải luân phiên đưa bác sĩ ở bệnh viện công về làm việc có thời hạn tuyến y tế cơ sở. Đây là giải pháp nhằm tăng cường nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, về lâu dài, cần có phương thức tháo gỡ bất cập cho tuyến y tế cơ sở.
Cả nước hiện nay có hơn 11.400 trạm y tế phường, xã, thôn bản… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng giữ vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.
Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở, nhất là địa bàn khó khăn, chưa thích ứng sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội. Tại các thành phố lớn, việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở các thành phố lớn lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí một trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên.
Bộ Y tế thừa nhận có xu hướng dịch chuyển nguồn nhân lực từ công sang tư và bỏ việc khiến hàng loạt trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, hoặc không còn người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022 có tới 9.500 nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc, trong đó có gần 3.000 bác sĩ và 3.000 điều dưỡng viên. Điều này làm cho các trạm y tế không làm tròn vai “gác cổng” khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến số lượng nhân viên y tế ở tuyến cơ sở còn hạn chế là việc thu hút, tuyển dụng, giữ chân được bác sỹ, dược sĩ, kỹ thuật y khoa gặp nhiều khó khăn do thu nhập, chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến thấp hơn so các bệnh viện tuyến trên.
Trong khi đó, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế lại tăng lên gấp nhiều lần từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, bên cạnh việc thường xuyên phải đảm trách nhiệm vụ thuộc 19 chương trình mục tiêu quốc gia. Nhân lực mỏng, nhân viên trạm y tế phải làm việc liên tục 16-18 giờ mỗi ngày, một người cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí, nhưng thu nhập vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thế nên, nhiều cán bộ y tế sau khi được cử đi đào tạo đều có nguyện vọng chuyển công tác tới các bệnh viện tuyến cao.
Theo nhiều chuyên gia, muốn giải quyết vấn đề thu hút, giữ chân nhân lực y tế cơ sở, cùng với việc nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề lên 100% đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Về lâu dài, ngành y tế cần có chính sách bắt buộc tất cả các bác sĩ phải có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở một thời gian nhất định trong hành trình gắn bó với nghề, như một số quốc gia đã làm. Cùng đó là xây dựng chính sách mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Thực tế cho thấy y tế cơ sở rất khó thực hiện tự chủ tài chính nên cần bảo đảm 100% ngân sách nhà nước cho các trạm y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng; mở rộng danh mục thuốc, thiết bị y tế tại trạm y tế, tương đồng với bệnh viện tuyến huyện, nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoang-trong-y-te-co-so-post460613.html