'Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải - CTST 2025': UTH hòa nhịp cùng Kỷ nguyên vươn mình

CTST 2025 sẽ giới thiệu những công trình nghiên cứu mới, các sản phẩm ứng dụng thực tiễn đến từ giảng viên và sinh viên UTH, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như đường sắt đô thị/đường sắt tốc độ cao, logistics và vận tải đa phương thức.

Theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là chìa khóa nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số. Nhân sự kiện Hội thảo quốc gia lần thứ VI tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM - CTST 2025), Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao công nghệ

+ Phóng viên: Thưa ông, được biết Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia lần thứ VI, với chủ đề: Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải - CTST 2025, vào ngày 17-5-2025. Xin ông cho biết khái quát về mục tiêu và thông điệp chính của hội thảo?

 PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn.

. PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn: Hòa chung vào không khí tưng bừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc trong năm 2025 và đặc biệt, thực hiện những yêu cầu mang tính đột phá về khoa học và công nghệ theo định hướng của Bộ Chính trị, CTST 2025 là hội thảo khoa học công nghệ thường niên của Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi học thuật, kết nối nhà trường với cộng đồng khoa học - doanh nghiệp - xã hội.

Năm 2025, hội thảo mang chủ đề: “Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải”. Thông điệp này khẳng định vai trò tiên phong của nhà trường trong việc đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Trong kỷ nguyên mới, đất nước đang bứt phá bằng sức mạnh tri thức, đổi mới sáng tạo và tự chủ công nghệ, chúng tôi mong muốn CTST 2025 sẽ là một không gian để những ý tưởng mới ra đời, các giải pháp thiết thực được kết nối và cùng nhau phục vụ cho tầm nhìn phát triển bền vững của Việt Nam.

+ Vậy CTST 2025 sẽ có những điểm nhấn nào để khẳng định vai trò tiên phong của nhà trường trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thưa ông?

. Điểm đặc biệt của CTST 2025 là sự kết hợp hài hòa giữa ba trụ cột: Đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao công nghệ. Chúng tôi sẽ giới thiệu những công trình nghiên cứu mới, các sản phẩm ứng dụng thực tiễn đến từ giảng viên và sinh viên UTH, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như đường sắt đô thị/đường sắt tốc độ cao, logistics và vận tải đa phương thức, kỹ thuật xây dựng, công trình giao thông, điều khiển và tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số…

Hội thảo còn là dịp để chúng tôi công bố các kết quả nghiên cứu nổi bật, trình bày các giải pháp công nghệ mới từ nhiều nhóm nghiên cứu trẻ, đồng thời mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, giúp đưa kết quả khoa học đến gần hơn với cuộc sống.

Diễn đàn trao đổi về kinh tế vận tải và quản lý, logistics và vận tải đa phương thức

+ Quá trình chuẩn bị hội thảo như thế nào, thưa ông? Các lĩnh vực đang được quan tâm?

. Là hội thảo thường niên nên việc lên kế hoạch và các khâu chuẩn bị thường bắt đầu ngay từ đầu mỗi năm học.

Các khâu tổ chức như lập kế hoạch, thông báo mời viết bài trong và ngoài trường, công tác truyền thông, tuyển chọn bài báo, kết nối, mời các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau cùng tham gia phản biện, các công tác hậu cần như tổ chức, sắp xếp, biên tập, liên hệ NXB in kỷ yếu… đã được chúng tôi xây dựng chi tiết ngay từ khi kế hoạch được phê duyệt.

 Sinh viên UTH tham gia hội thảo khoa học.

Sinh viên UTH tham gia hội thảo khoa học.

Hội thảo CTST 2025 đã được thực hiện thành công, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước. Qua quá trình phản biện nghiêm túc, Ban Tổ chức đã lựa chọn được nhiều công trình xuất sắc để công bố trên Tạp chí Khoa học công nghệ Giao thông vận tải kỳ tháng 5-2025 và Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ VI, với chủ đề “Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải”,

Hội thảo năm nay tập trung vào nhiều chuyên đề nổi bật và các giải pháp tiên tiến, bao gồm: Giao thông hiện đại như đường sắt đô thị/đường sắt tốc độ cao, vật liệu mới trong xây dựng hạ tầng giao thông; Phát triển bền vững về môi trường và khoa học hàng hải; Các lĩnh vực kỹ thuật then chốt như ngành cơ khí, động lực học, ứng dụng của điện - điện tử, viễn thông, tự động hóa trong giao thông và trong cuộc sống; Các công nghệ đột phá mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai như công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo;

Ngoài ra, hội thảo còn tạo diễn đàn trao đổi về các khía cạnh quan trọng khác như kinh tế vận tải và quản lý, logistics và vận tải đa phương thức, khoa học xã hội, khoa học cơ bản và cả tiếng Anh chuyên ngành…, mang đến một cái nhìn đa chiều và toàn diện về tương lai đầy tiềm năng của ngành giao thông vận tải.

+ Thưa ông, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đã có những định hướng như thế nào để thích ứng với xu thế mới?

. Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM xác định rõ khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số là con đường tất yếu để hội nhập và phát triển bền vững.

Để đáp ứng xu thế này, Nhà trường đã và đang triển khai một loạt các định hướng và giải pháp đồng bộ: Đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật xu hướng mới, phát triển của xã hội vào các lĩnh vực đang được giảng dạy tại Trường, đảm bảo sinh viên/người học tại Trường khi tốt nghiệp có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;

Chuyển đổi số trong quản lý đào tạo và các hoạt động hỗ trợ sinh viên giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà trường; Tăng cường mở rộng quan hệ với các trường đại học trong và ngoài nước, kết nối với các đơn vị sản xuất qua các học kỳ doanh nghiệp; Phát triển đội ngũ giảng viên, khuyến khích và tạo các điều kiện tối ưu để giảng viên được nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học cũng như tiếp thu các kiến thức mới.

Với những định hướng và giải pháp này, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định cam kết mang đến một môi trường học tập và nghiên cứu năng động, sáng tạo, giúp sinh viên tự tin đáp ứng mọi yêu cầu của thị trường lao động và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe-giao-thong-van-tai-ctst-2025-uth-hoa-nhip-cung-ky-nguyen-vuon-minh-post850016.html