Khổ như dân vùng hành lang thoát lũ

Cách đây 10 năm, ngày 7-10-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Việc ban hành Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy được xác định nhằm tạo dòng chảy thường xuyên, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đáy, cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái vùng ven sông; chủ động phòng, chống lũ trên hệ thống sông Đáy, bảo đảm an toàn đê điều; tạo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân tại các khu vực phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Đáy trước đây.

Quy hoạch cũng nêu rõ giải pháp: Phần bãi sông trong phạm vi 500 mét không được xây dựng mới nhà cửa, công trình. Đối với những công trình, nhà cửa hiện có, xây dựng kế hoạch để từng bước di dời. Phần bãi sông ngoài phạm vi 500 mét được sử dụng theo quy định của Luật Đê điều, phù hợp với các quy hoạch liên quan và không vượt quá tỷ lệ 15% để bảo đảm không gian thoát lũ, chứa lũ.

Mục tiêu của quy hoạch rõ ràng là rất tốt, các giải pháp được nêu ra cũng rất cụ thể, nhưng thời gian triển khai lại chỉ chung chung bằng chữ "từng bước", dẫn tới rất nhiều hộ dân trong khu vực hành lang thoát lũ sông Đáy đang lâm vào cảnh khổ sở.

10 năm qua, có những gia đình tăng lên hàng chục nhân khẩu, nhưng họ không được xây dựng mới nhà cửa, nên 3-4 hộ gia đình nhỏ phải chen chúc trong một căn nhà cũ nát rộng vài chục mét vuông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống và cả sự an toàn tính mạng của họ.

Có ý kiến cho rằng, mực nước sông Đáy hiện tại thường xuyên ở mức rất thấp và đã từ mấy chục năm qua chưa từng thấy cơn lũ lớn nào đổ về đây. Vì thế, nên xem xét sửa lại quy hoạch cho phù hợp hơn với tình hình thực tế và cho phép người dân được cải tạo, xây mới nhà cửa. Tuy nhiên, nếu theo đúng quy hoạch, sông Đáy sẽ được cấp nước từ sông Hồng và sẽ là nhánh thoát lũ rất quan trọng cho sông Hồng. Những cơn "đại hồng thủy" nếu xảy ra thường sẽ rất bất ngờ, không theo quy luật, hậu quả cũng luôn rất khủng khiếp, nhất là trong bối cảnh nước ta ở vùng hạ du, không nắm được quyền chủ động điều tiết lũ do còn phụ thuộc vào việc xả lũ của các nước thượng du vốn đang xây rất nhiều đập thủy điện, thủy lợi khổng lồ. Bởi vậy, việc có nên tiếp tục thực hiện quy hoạch hiện hành hay sửa đổi quy hoạch cần phải do các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thẩm định rất kỹ lưỡng.

Vấn đề quan trọng trước mắt có lẽ là cần nhanh chóng thực hiện giải pháp di dời các hộ dân sinh sống trong khu vực hành lang thoát lũ, bảo đảm ít làm xáo trộn nhất có thể cuộc sống của người dân, nhất là không để người dân phải chịu thiệt thòi về lợi ích. Đừng để người dân vì chấp hành luật pháp mà phải chịu cảnh sống khổ như người dân vùng hành lang thoát lũ sông Đáy!

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/kho-nhu-dan-vung-hanh-lang-thoat-lu-778412