Khó bán hàng ra nước ngoài nếu không nắm và hiểu dữ liệu
Sử dụng dữ liệu khách hàng để điều chỉnh sản phẩm và hoạt động kinh doanh giúp doanh nghiệp bán hàng hiệu quả hơn ở các thị trường nước ngoài.
Theo nghiên cứu mới của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 80.000 tỷ đồng vào năm 2022 và có thể đạt đến 296.300 tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ qua thương mại điện tử.
Tương tự, Amazon Global Selling ước tính thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 26% mỗi năm từ nay đến 2030, cho dù tình hình kinh tế hiện khó khăn.
“Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm. Đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA), cho biết tại Hội nghị Thương mại Điện tử xuyên biên giới do Amazon Global Selling và iDEA tổ chức ngày 7/6.
Dù vậy, ở Việt Nam, việc bán hàng ra các thị trường nước ngoài vẫn là khó khăn với nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) do các rào cản về xuất nhập khẩu, thị trường. “Một trong những câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất từ các nhà bán hàng là việc lựa chọn sản phẩm kinh doanh, khách hàng ở các thị trường khác nhau đang tìm kiếm những sản phẩm gì”, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết.
Các nhà sản xuất, bán lẻ của Việt Nam có thể quen thuộc với khách hàng trong nước, nhưng khi kinh doanh trên toàn cầu, khách hàng từ các quốc gia và khu vực khác nhau có những nhu cầu và thị hiếu mà doanh nghiệp chưa nắm bắt được nếu không có dữ liệu và quy trình phản hồi.
Đại diện Beefurni, nhà sản xuất đồ gỗ gia dụng, từng xuất khẩu truyền thống đến các nhà phân phối nhưng đã chuyển sang thương mại điện tử và bán trực tiếp đến người dùng cuối từ năm 2022, cho biết dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử giúp họ tinh chỉnh sản phẩm dựa trên phản hồi của khách hàng. Doanh nghiệp cho biết theo các kênh bán hàng truyền thống, sẽ mất khoảng một năm để phản hồi trở về nhà sản xuất và điều chỉnh, khoảng thời gian này giảm còn khoảng 3 tháng với quy trình thu thập dữ liệu thương mại điện tử.
“Các công cụ số hóa, ví dụ như thống kê cơ hội bán hàng, cho thấy các từ khóa được khách hàng tìm kiếm nhưng chưa được đáp ứng đủ, giúp doanh nghiệp biết nhu cầu và xu hướng mua sắm của người dùng. Dữ liệu cũng giúp nhà bán nhận phản hồi và điều chỉnh kịp thời khi xuất hiện vấn đề”, đại diện Amazon Global Selling cho biết.
Nghiên cứu của Access Partnership tại Việt Nam cho thấy 86% trong số 300 MSMEs được khảo sát cho rằng họ sẽ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử, và mong muốn của nhóm doanh nghiệp này là mở rộng ra các thị trường Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.
“2 rào cản lớn nhất với doanh nghiệp khi xuất khẩu là chi phí và thông tin. Thương mại điện tử giúp tối ưu chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, hệ thống sẵn có của các nền tảng lớn cũng giúp doanh nghiệp có thông tin về xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị trường”, bà Việt Anh cho biết.
Các thống kê của Amazon từ 2019 đến nay cho thấy ngành hàng tiềm năng của các nhà bán hàng Việt Nam là sản phẩm chăm sóc nhà cửa, trang trí nội thất. Ngoài ra, thời trang và phụ kiện làm đẹp là các sản phẩm trong xu hướng tăng trưởng trong 6 tháng trở lại đây, đại diện nền tảng thương mại điện tử cho biết.