Khi kiểm lâm làm du lịch
Trong lao xao gió ngàn và tiếng chim hót, lời giới thiệu của những cán bộ kiểm lâm về tài nguyên, sự giàu có về thảm động thực vật rừng đặc dụng ở Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) như chìm đi. Màu áo xanh lẫn vào màu của rừng của núi, vừa thân thuộc vừa bình yên.
“Hướng dẫn viên” bất đắc dĩ
Cao Đường là một thung lũng nhỏ, bình yên náu mình giữa hơn 4.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm. Chốt trưởng Chốt bảo vệ rừng Cao Đường Nguyễn Duy Tân tự hào bảo, so với nhiều địa phương khác, thì rừng ở Cao Đường đến thời điểm này gần như vẫn giữ được nguyên vẹn. Khách đến với Cao Đường 1 ngày, nhưng có thể trải nghiệm đủ thời tiết của cả 4 mùa luôn.
Đúng như lời giới thiệu của anh Tân, 11 giờ trưa của ngày đông cuối năm, Cao Đường như đang nhuộm trong ánh mặt trời thì đột nhiên gió từ đâu thổi những đám mây, đám sương từ trời, từ lá phủ kín lấy bản. Cả thôn như chìm vào tiết trời xám xịt của sáng sớm, hoặc chiều tối. Hết đợt gió, nắng lại òa lên, lấp lóa như trêu cười người khách lạ.
Những ngôi nhà sàn của người Dao, người Mông, người Tày ở Cao Đường nằm nép ven rừng, ven núi. Quanh nhà là bạt ngàn gỗ quý. Chốt trưởng Nguyễn Duy Tân vừa dẫn khách đi một vòng quanh làng, vừa thuận tay chỉ khách những cây gỗ nghiến, bách xanh, chò chỉ… Tân bảo, khách đến với Cao Đường mà không biết đến bãi chò của đất này là một thiệt thòi lớn đấy. Rồi cậu giải thích, gọi là bãi nhưng cũng chỉ còn 2 cây chò còn tồn tại. Vì đất ở đây là đất bãi rộng lớn, những cây chò chỉ đã đứng ở đây từ bao đời, vươn mình trong nắng mưa nên dân bản địa gọi là bãi chò.
Tân, cùng với cậu nhân viên tuần rừng người Dao nhà dưới Phù Lưu Trần Văn Dũng dẫn khách đến với bãi chò nổi tiếng đất Cao Đường. Bãi chò này có từ bao giờ, dân làng cũng không ai nắm rõ. Cả vùng đất bằng phẳng, rộng lớn, những cây chò khổng lồ, gốc rễ xù xì, dễ đến chục người ôm vòng tay không hết. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cao Đường Dương Minh Toàn bảo, bãi chò này như báu vật của người Cao Đường. Những cây già cỗi nằm xuống, dân bản cũng không ai động đến. Thân cây hoai mục hòa vào với đất, cứ thế bình yên mà nghỉ ngơi sau cả trăm năm đứng vững giữa trời, bảo vệ xóm làng.
Với những lợi thế về tự nhiên, khí hậu, Cao Đường đang được chính quyền các cấp đầu tư, xây dựng thành một điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn. Người dân trong thôn học cách làm Homestay, thì cán bộ kiểm lâm cũng học cách làm quen với những đoàn khách ham tìm hiểu và cũng quen dần với công việc “hướng dẫn viên”. Chốt trưởng Nguyễn Duy Tân chia sẻ, ngoài tuần tra, bảo vệ rừng, khi Cao Đường trở thành điểm đến mới và nhiều khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu thêm về rừng nguyên sinh ở đây, lực lượng kiểm lâm sẵn sàng cùng hướng dẫn khách tìm hiểu thảm động, thực vật và hệ thống các hang động trên địa bàn. May mắn là ở Cao Đường, các quy định về bảo vệ rừng không chỉ được bà con chấp hành theo đúng chủ trương, chính sách pháp luật, mà đã được đưa vào hương ước của thôn. Mỗi hộ gia đình ở đây đều đặt mình với vai trò là một chủ rừng, họ giám sát lẫn nhau và kiểm soát người từ ngoài vào. Chính quá trình đóng vai hướng dẫn viên bất đắc dĩ, anh em cán bộ kiểm lâm học được thêm nhiều điều về văn hóa bản địa, từ đó cũng có những cách quản lý địa bàn thuận lợi hơn.
“Đường lớn đã mở…”
Rừng đặc dụng Tân Trào (Sơn Dương) giờ cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn với những khách du lịch ưa khám phá, trải nghiệm. Những ngày cuối năm 2021, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sơn Dương Nguyễn Văn Sơn sắm vai người hướng dẫn, đưa đoàn khảo sát hợp tác phát triển du lịch liên khu, liên vùng khám phá núi Hồng và trải nghiệm tiệc buffet trong rừng… Cung đường trekking (đi bộ) lên rừng vầu thuộc núi Hồng nguyên sinh được mệnh danh là “Thập diện mai phục phiên bản Việt”. Ví von như thế, là bởi cả cánh rừng mênh mông, những cây vầu đều tăm tắp xen mình vươn thẳng trời xanh như hình ảnh đẹp mắt trong bộ phim Thập diện mai phục của đạo diễn người Trung Quốc Trương Nghệ Mưu ra mắt khán giả từ cách đây gần 20 năm. Hành trình này dài khoảng 10 km. Ngay phía đầu khu rừng là một tảng đá khá lớn, cao khoảng 2 mét, trông tựa như trái tim. Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào Nguyễn Văn Sơn vừa dẫn khách, vừa giới thiệu, đây là “hòn đá cô đơn” theo cách gọi của dân địa phương. Tương truyền, những người độc thân chụp ảnh trên hòn đá này sẽ sớm có đôi có cặp đấy!… Những lời giới thiệu của cán bộ kiểm lâm vừa dí dỏm, vừa đơn thuần, dễ hiểu. Khách du lịch khi bật cười thích thú, khi lại trầm ngâm vừa đi vừa quan sát để xem có đúng những gì anh “chủ rừng” vừa nói không.
Câu chuyện kiểm lâm làm du lịch giờ đã không còn là chuyện lạ. Trưởng ban Quản lý các khu du lịch Đỗ Trung Kiên cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh và xu hướng du lịch tìm về thiên nhiên, trải nghiệm và khám phá thiên nhiên, thì du lịch rừng ở Tuyên Quang đang ngày càng được khai mở tiềm năng. Đặc biệt, giữa năm 2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, một trong những mục tiêu lớn của Nghị quyết là hoàn thành xây dựng ít nhất 5 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng.
Điều này, theo Trưởng ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Đỗ Trung Kiên, là không khó. Trên thực tế, với diện tích rừng tự nhiên lớn, phân bố trên nhiều địa hình hùng vĩ, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã “sơ khai” những mô hình du lịch sinh thái dựa vào rừng. Na Hang, Lâm Bình là du lịch vùng hồ thủy điện, tham quan, trải nghiệm Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung; Chiêm Hóa, Hàm Yên là khám phá rừng đặc dụng Cham Chu; Sơn Dương là du lịch rừng đặc dụng Tân Trào…
Ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, ngay khi Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được ban hành, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình đã rà soát, xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái dựa vào rừng. Trong đó, nhiều điểm đến như Thác Khuổi Nhi, thăm hang Khuổi Pín, trekking khám phá rừng nguyên sinh… đã được nhiều người biết đến, đều là khai thác từ chính tài nguyên rừng trên địa bàn. Khi xây dựng đề án, việc khai thác sẽ được bài bản và hiệu quả hơn, đảm bảo để tất cả cùng có lợi. Rừng được giữ, dân có thu nhập và chính quyền quảng bá được hình ảnh địa phương.
Manh nha trong mỗi chuyến đi, cán bộ kiểm lâm giờ đã quen với việc “sắm” hai vai, vừa tuần tra, bảo vệ rừng, vừa giới thiệu, quảng bá tài nguyên rừng đến với du khách thập phương. Những lời giới thiệu ấy không chỉ là vốn hiểu biết mà còn là tình yêu với từng ngọn cây, cánh chim, với các loài động vật quý hiếm nên dễ chạm tới lòng trắc ẩn người nghe hơn.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/khi-kiem-lam-lam-du-lich-154631.html