Khát vọng khởi nghiệp
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp với những mô hình đem lại thu nhập cao. Việc khởi nghiệp của thanh niên phát huy được sức trẻ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thanh niên trẻ khởi nghiệp xanh
Sinh năm 1991, anh La Văn Dũng, xã Bạch Đằng (Hòa An) sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia đã chọn việc làm ở Hà Nội trong lĩnh vực công nghệ thông tin một thời gian. Đến năm 2017, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên đang lên cao, ở quê có diện tích đất rộng lớn nên anh quyết định về quê khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp với mô hình nông trại La Dũng farm.
Mang trong mình ước mơ khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Dũng xác định phát triển mô hình nông trại nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với phương châm “sạch từ đất, chất từ tâm”, giúp cân bằng hệ sinh thái và giảm thiểu việc sử dụng hóa chất. Anh Dũng chia sẻ: Ban đầu khi mới bắt tay khởi nghiệp, tôi lựa chọn cây cam là cây chủ lực và trồng thêm một số cây trồng như dứa, thanh long để “lấy ngắn, nuôi dài”. Tuy nhiên trong 3 năm đầu, do chọn sai cây trồng chủ lực, cây cam không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chưa phù hợp với chế độ chăm bón bằng phân hữu cơ nên cứ lụi dần. Ý tưởng trồng cây cam thất bại, 500 cây cam được trồng đến nay chỉ còn số ít sinh trưởng, phát triển, hiệu quả thấp.
Thời điểm đó, quyết định trồng thêm cây ngắn ngày để “lấy ngắn, nuôi dài” lại là may mắn bởi trồng cam thất bại, nhưng những cây trồng phụ trợ như dứa, thanh long phát triển tốt và cho thu nhập ổn định đã giúp có vốn, tạo động lực để anh tiếp tục đầu tư, phát triển trang trại. “Đến nay, nông trại của tôi có tổng diện tích 3 ha, đang duy trì trồng cây ăn quả với hai loại cây trồng chủ lực là cây dứa và cây ổi. Bên cạnh đó, tôi cũng trồng hai cây trồng phụ trợ là thanh long và hồng xiêm”, anh Dũng cho biết.
Khởi nghiệp với mô hình nông trại, anh đầu tư máy móc, học hỏi, tìm hiểu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để mở rộng quy mô sản xuất, tăng chất lượng, sản lượng cho các loại nông sản. Năm 2022, anh bắt đầu tự nghiên cứu, sản xuất vi sinh và ứng dụng vi sinh vào sản xuất phân bón, chế thuốc bảo vệ thực vật từ thảo mộc, dùng vi sinh để phối trộn thức ăn trong chăn nuôi. Dự án “Ứng dụng vi sinh trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng và thức ăn trong chăn nuôi” của anh giành giải nhất Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng” năm 2023, đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 và Cuộc thi “Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các yêu cầu về quy trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn, các loại nông sản tại nông trại cho năng suất cao và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Với sản lượng mỗi loại khoảng từ 1 tấn đến hơn 10 tấn, hiện các loại cây ăn quả tại nông trại cung cấp sản phẩm ra thị trường gần như quanh năm, trong đó tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh chiếm 70%, thị trường ngoài tỉnh chiếm 30%.
Không dừng lại ở việc trồng và phát triển các loại cây ăn quả, anh trồng thêm cây lâm nghiệp, nuôi cá và thường xuyên duy trì nuôi từ 30 - 50 đàn ong, cung cấp khoảng 300 - 500 lít mật/năm. Mật ong được thu hoạch, đóng chai và xây dựng thương hiệu với tên gọi “Mật ong người Tày La Dũng”, hiện sản phẩm mật ong của anh Dũng được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đến nay, mô hình khởi nghiệp mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình anh Dũng, lợi nhuận thu về khoảng 250 triệu đồng/năm; mô hình góp phần giải quyết việc làm thuờng xuyên cho 3 lao động địa phương. Bên cạnh đó, anh thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho người dân địa phương về cách thức sản xuất nông nghiệp sạch cũng như tham gia các lớp tập huấn, các diễn đàn khởi nghiệp để chia sẻ, học tập thêm kinh nghiệm ứng dụng vào mô hình trang trại của mình, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh bền vững, hướng tới tương lai xanh.
Khởi nghiệp du lịch sáng tạo
Là người con Cao Bằng, anh Trần Anh Dũng, phường Hợp Giang (Thành phố), Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch Phong Nam mong muốn có thể quảng bá những nét đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa cũng như con người bản địa đến rộng rãi hơn với bạn bè, du khách thập phương, du khách quốc tế. Đây là động lực để anh lên ý tưởng và hiện thực hóa ước mơ với dự án khởi nghiệp mô hình du lịch cộng đồng bền vững mang tên Phong Nam Station “Trạm cung cấp thông tin và dịch vụ cuối, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc địa phương thông qua hoạt động vận hành mô hình du lịch cộng đồng bền vững” hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng; bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc bản địa, phát triển du lịch bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương; tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức cộng đồng; xây dựng một mô hình thương mại du lịch có chiều sâu và văn hóa làm việc chuyên nghiệp, gia tăng giá trị các sản phẩm du lịch, góp phần làm đa dạng điểm đến trong quần thể du lịch tại tỉnh. Đây cũng là dự án xuất sắc đoạt giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024.
Dự án Phong Nam Station được triển khai thực hiện tại xã Phong Nặm (Trùng Khánh), cách thị trấn Trùng Khánh khoảng 6 km, di chuyển từ Thành phố khoảng 71 km. Chia sẻ về địa điểm được lựa chọn để thực hiện dự án, anh Dũng cho biết: Xã Phong Nặm được thiên nhiên ưu ái ban tặng dòng sông Quây Sơn hiền hòa, với thung lũng nguyên sơ, đan xen vườn cây, ngọn núi và những nếp nhà, tạo nên phong cảnh yên bình, trong lành cuốn hút. Đây còn là nơi lưu giữ nhiều nét bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng tại Cao Bằng, là nơi có tiềm năng phát triển du lịch.
Để triển khai dự án, anh Dũng phối hợp với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải, giảng viên Khoa Du lịch và Ngoại ngữ Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số người bạn cùng nhau bắt tay đồng hành trong việc lên ý tưởng, khảo sát thu thập dữ liệu, tính khả thi dự án và đánh giá các tiêu chí “tự nhiên, cộng đồng, hệ sinh thái trải nghiệm, thời tiết”… Đồng thời, đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi nhất để dự án khi đi vào thực tế sẽ mang lại hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.
Với sự kiên trì và quyết tâm thực hiện dự án, nhóm của anh Dũng đã vượt qua những khó khăn, thách thức. Năm 2023, dự án chính thức được tiến hành xây dựng với hơn 80% vật liệu làm từ tre, vầu, mai, gồm hệ thống khu tổ hợp dịch vụ Phong Nam Station (nhà điều hành, bar, bếp ăn, khu vệ sinh, cảnh quan, cây xanh); trang thiết bị, điện thắp sáng, hệ thống lều Glamping. Quá trình thiết lập xây dựng mô hình, dự án được tạo nên bởi chính những nghệ nhân và người dân tại địa phương với hơn 2.000 giờ lao động và tổng mức đầu tư gần 1,6 tỷ đồng. Anh Dũng kết nối với đội ngũ cộng tác viên các tỉnh, thành khác trên cả nước và cộng tác viên người nước ngoài để quảng bá dự án, hỗ trợ du khách trải nghiệm. Hiện nay, dự án Phong Nam Station duy trì các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, các tour trải nghiệm đạp xe, leo núi và dịch vụ bán hàng với việc giới thiệu và bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch kết hợp với nông nghiệp và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm của địa phương.
Để duy trì và phát triển dự án, các thành viên dự án chú trọng quản lý, hoạt động bằng hệ thống quản lý đa kênh như: OTA (Booking.com, Airbnb, Agoda, Hostelworld, Expedia); Meta search (Google, Tripadvisor, Trivago); mạng xã hội (Facebook, Instagram, Reddit); công ty lữ hành, trường học; đoàn thể; khách hàng trực tiếp để dễ dàng quảng bá cũng như tiếp cận tốt hơn các tệp khách hàng mà dự án hướng tới. Đến nay, trải qua 14 tháng hoạt động, dự án đạt doanh thu ổn định từ 20 triệu đồng/tháng lên gần 140 triệu đồng/tháng.
Phong Nam Station đồng hành cùng Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế Fauna & Flora International (FFI) trong Dự án Bảo tồn vượn Cao vít - Hợp phần “Phát triển doanh nghiệp địa phương vì cộng đồng và bảo tồn linh trưởng bền vững”. Từ việc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng bền vững, dự án tạo ra sinh kế cho người dân địa phương quanh Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao vít, góp phần bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm tại Việt Nam và chỉ duy nhất được tìm thấy ở huyện Trùng Khánh. Dự án khởi nghiệp Phong Nam Station của anh Dũng đã, đang và sẽ là cầu nối giữa các hoạt động bảo tồn và phát triển “văn hóa và thiên nhiên địa phương”.
Anh Dũng chia sẻ: Nếu thành công đây sẽ là dự án góp phần làm sinh động và đa dạng điểm đến, tạo sức hút không chỉ riêng cho du khách mà còn các nhà đầu tư tâm huyết đến với Cao Bằng.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/khat-vong-khoi-nghiep-3174994.html