Khánh thành tượng đài Bác Hồ tại TP Phú Quốc

Công trình tượng đài Bác Hồ mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, không những thể hiện tình yêu của người dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên vùng biển Tây Nam.

Hôm nay (19/5), nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tại TP Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.

Các đại biểu dự buổi lễ cắt băng khánh thành tượng đài Bác Hồ. Ảnh: N.H

Các đại biểu dự buổi lễ cắt băng khánh thành tượng đài Bác Hồ. Ảnh: N.H

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, tình cảm thiêng liêng, sâu nặng của Bác Hồ với miền Nam và mỗi người con miền Nam với Bác Hồ đã được khắc ghi sâu đậm trong lòng chúng ta.

Ông Nghĩa nhắc lại, ngày 20/12/1962, khi gặp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, Bác Hồ đã vui mừng, xúc động đặt bàn tay lên ngực trái và cảm động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

"Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm nguyện cháy bỏng, là trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi'.

Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử, khẳng định một ý chí mãnh liệt, một quyết tâm sắt đá và một niềm tin tất thắng", ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: N.H

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: N.H

Thực hiện di huấn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, làm nên thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao tỉnh Kiên Giang đã quyết tâm đầu tư một công trình mang ý nghĩa to lớn, thiết thực kỷ niệm 134 năm Ngày sinh và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình sẽ mãi mãi khắc ghi tình cảm của Bác đối với nhân dân cả nước, và đối với đồng bào miền Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, với chủ đề “Miền Nam trong trái tim tôi”, tượng đài Bác Hồ được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc tập trung diễn tả, khắc họa hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, sự giản dị, chan hòa, gần gũi.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, tượng đài Bác Hồ đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật. Ảnh: N.H

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, tượng đài Bác Hồ đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật. Ảnh: N.H

Để tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa của công trình, tỉnh đã quy hoạch đầu tư xây dựng Quảng trường nơi đặt tượng đài với quy mô hơn 7 ha tại khu vực trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ, cảng biển quốc tế, khu hành chính tập trung mới của TP Phú Quốc.

Bí thư Tỉnh ủy thông tin, tượng đài Bác Hồ cao 20,7 mét (trong đó thân tượng cao 18 mét, đế tượng cao 0,3 mét và bệ tượng cao 2,4 mét), được đúc bằng hợp kim đồng, nặng hơn 93 tấn. Phía sau lưng tượng đài là bức phù điêu hai mặt, chạm nổi, dài 63 mét, nơi cao nhất 10,8 mét.

Phù điêu gồm 484 tấm đá trắng ghép lại với nhau: mặt trước giới thiệu hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam; mặt sau thể hiện hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang, các địa danh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ (tỉnh Quảng Ninh) đến quần đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).

Bên cạnh đó, kết hợp với đền thờ, nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà đón tiếp, sân quảng trường và nhiều hạng mục khác tạo thành một quần thể công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn và sâu sắc, mang tầm quốc gia và quốc tế.

Trần Tuyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khanh-thanh-tuong-dai-bac-ho-tai-tp-phu-quoc-2282234.html