Khán giả ấn tượng với chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội sắc vàng Tam Cốc
Ngày 23.5, chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội sắc vàng Tam Cốc do UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Sở Du lịch Ninh Bình thực hiện đã diễn ra rất thành công. Chương trình là sự hợp tác ăn ý của hai đạo diễn – hai Nghệ sĩ ưu tú: Thanh Hiền (Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long) và Khánh Toàn (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) đồng dàn dựng.

Chương trình nghệ thuật diễn ra trong cảnh sắc thiên nhiên vô cùng trữ tình
Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ: Phạm Anh Duy, An Thu An, Xuân Hảo, Huyền Trang; Các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Tốp trẻ em Sao Tuổi thơ Câu lạc bộ Thiếu nhi Ninh Bình, các tốp hát nghệ nhân… và các vũ đoàn.
NSƯT Thanh Hiền (Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long) và NSƯT Khánh Toàn (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) hiện đang là hai đạo diễn giỏi về dàn dựng lễ hội đã có một sự hợp tác cực kì ăn ý, tạo nên một chương trình nghệ thuật đầy ấn tượng, đặc biệt làm nổi bật những nét văn hóa tiêu biểu của Ninh Bình, tỉnh vừa thực hiện sáp nhập 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Sắc vàng Tam Cốc là một bức tranh bằng âm nhạc và múa; là bức tranh văn hóa dân gian được dẫn dắt bởi người kể chuyện nhằm tạo nên một không gian đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng đầy mới mẻ, sinh động.
Chương trình chú trọng khai thác vẻ đẹp thiên nhiên thực cảnh và đời sống nông dân – những chủ nhân của Sắc Vàng Lúa qua những hình ảnh gần gũi, giản dị và tình cảm, từ đó tôn vinh các giá trị văn hóa vùng miền, đặc biệt là vùng đất Tam Cốc, Ninh Bình.

Những sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ được khai thác nổi bật
Các tiết mục âm nhạc, múa, và kịch đều khắc họa sinh động cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Tam Cốc, với những cánh đồng lúa vàng óng, những dòng sông uốn lượn quanh co.
Các nhân vật như ông bà, cha mẹ, con cái trong gia đình nông dân được thể hiện gần gũi, giản dị, với những câu chuyện đời thường nhưng chứa đựng nhiều tình cảm yêu thương, gắn bó.
Các tiết mục múa mang đậm nét văn hóa dân gian, như múa dệt, múa trống cơm, rơm rạ, múa nón lá, kết hợp với các bài hát ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống lao động vất vả nhưng cũng đầy niềm vui của người dân vùng quê.

Sự kết hợp đặc biệt của nghệ thuật múa rối đã tạo điểm nhấn của chương trình
Sân khấu được thiết kế kết hợp với thực cảnh mang đậm không gian làng quê, với những hình ảnh quen thuộc như cánh đồng lúa chín, những ngôi nhà mái lá, đống rơm, cổng làng…vv. Mọi yếu tố nghệ thuật này cùng hòa quyện tạo nên một bức tranh đẹp, mộc mạc, đầy cảm xúc.
Các tiết mục được xây dựng đã tạo không khí thân mật, gần gũi, giúp khán giả cảm nhận được sự chân thật và sự ấm cúng của một lễ hội dân gian truyền thống.
Các tiết mục ấn tượng như liên khúc đồng dao Dung dăng dung dẻ – Chi chi chành chành của tốp thiếu nhi Sao Tuổi thơ, Đi cấy - Cò lả của tốp ca nam nữ, cùng những ca khúc trữ tình như Đắm say non nước Ninh Bình, Yêu Việt Nam, Quê tôi – Tam Cốc họa tình nước non qua giọng hát của ca sĩ Phạm Anh Duy, An Thu An, Huyền Trang, Xuân Hảo… đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Với vai trò là biên đạo múa, đạo diễn, NSƯT Khánh Toàn thành công với các màn trình diễn múa ấn tượng
Đặc biệt, NSƯT Thanh Hiền đã khai thác ưu thế nổi trội của nghệ thuật múa rối vào chương trình, các tiết mục và con rối tham gia đã tạo nên sự sinh động, tươi mới khi kết hợp đầy ăn ý với các tiết mục ca múa nhạc.
Chương trình là sự giao thoa giữa vẻ đẹp truyền thống và sự sáng tạo hiện đại, mang lại cho khán giả một trải nghiệm đặc biệt, vừa cảm nhận được những giá trị văn hóa lâu đời, vừa tận hưởng không khí lễ hội tươi mới, đầy sắc màu.